Chuẩn bị một thói quen tiêm phòng mới
Năm 2019 riêng Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận trên 200 bệnh nhân sởi là người lớn, gấp đôi so với năm 2014 là năm có số mắc sởi lớn nhất trong nhiều chục năm qua ở Việt Nam. Theo ông Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm, ngoài bệnh sởi, trung tâm còn tiếp nhận rải rác bệnh nhân mắc quai bị hoặc thủy đậu, là những căn bệnh hay gặp vào dịp thời tiết lạnh và ẩm (trước và sau tết nguyên đán) như khoảng thời gian hiện nay.
Trong khi đó, sởi, quai bị, thủy đậu và cả rubella đều đã có vắc xin phòng, nhưng người dân chỉ có thói quen tiêm phòng bệnh cho trẻ em mà chưa chú ý nhiều đến phòng bệnh cho người lớn, đặc biệt là phụ nữ chuẩn bị có thai.
Nên có thói quen tiêm phòng mới
Chị Hạnh ở Cầu Giấy vừa lập gia đình được 2 tháng, chuẩn bị mang thai, khoảng 10 năm trước các thai phụ chuẩn bị mang thai chỉ được khuyến cáo tiêm ngừa uốn ván (nếu mang thai lần đầu tiêm 2 mũi trong 3 tháng giữa của thai kỳ, mũi sau cách mũi trước 1 tháng), nhưng gần đây các chị em đã chuẩn bị kỹ hơn để có một thai kỳ mạnh khỏe cho cả mẹ và con.
Cụ thể, để chuẩn bị mang thai, chị em được khuyến cáo tiêm vắc xin ngừa cúm, vắc xin ngừa sởi- rubella và cả viêm gan B nếu lượng kháng thể thấp dưới mức bảo vệ. Sau khi tiêm ngừa đầy đủ các mũi vắc xin này, chị em dành một thời gian “nghỉ an toàn” để chuẩn bị cho thai kỳ.
Tuy nhiên thói quen này chưa được thực hiện ở khắp nơi, và bằng chứng là vẫn có những thai phụ mắc bệnh lý truyền nhiễm có thể ngừa được bằng vắc xin trong giai đoạn mang thai. Gần đây Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một thai phụ ban đầu chỉ là mắc cúm, rồi bệnh chuyển biến nặng, chi phí điều trị lên tới 400 triệu đồng. Bác sĩ Phạm Thế Thạch, Phó trưởng Khoa Điều trị tích cực cho biết hàng năm Khoa đều tiếp nhận những bệnh nhân là phụ nữ tử vong do những bệnh lý tương tự, mà lý do ban đầu chỉ là những căn bệnh tưởng như rất nhẹ và đã có vắc xin phòng.
Hiện nay, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho nhóm trẻ dưới 1 tuổi đã lên tới 90-95%, thói quen tiêm ngừa cho trẻ đã ăn sâu vào tiềm thức của cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Khi chúng tôi đến một xã rất xa của tỉnh Cà Mau, có bà mẹ dù chưa đến lịch tiêm cho con nhưng thấy đến ngày tiêm chủng thường kỳ đã đi 6 km để hỏi liệu có phải là lịch tiêm chủng của con chị? Tuy nhiên với bà mẹ sắp mang thai, các mũi tiêm nhắc lại… thì thói quen đó chưa rõ ràng và cần tạo một thói quen tiêm phòng mới.
Tiêm chủng không chỉ dành riêng cho trẻ em
Bệnh sởi: Nếu không nỗ lực, khó đạt mục tiêu
Việt Nam đã 2 lần đặt mục tiêu loại trừ bệnh sởi, nhưng do nhiều lý do mà năm 2014 và 2019 có số mắc sởi khá lớn. Thông tin từ Bộ Y tế cho hay mục tiêu loại trừ sởi ở Việt Nam mới có thể năm 2023 tới đây.
Tuy nhiên để đạt mục tiêu này còn rất nhiều việc cần làm. Năm 2019 có khoảng 1/3 số mắc sởi dưới 9 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm ngừa, chứng tỏ kháng thể từ mẹ truyền sang là chưa đủ để bảo vệ trẻ. Có hai lý do dẫn đến kết quả này:
1, Mẹ sinh sau năm 1985 và đây là thời gian tỷ lệ mắc sởi giảm, mẹ chưa có miễn dịch tự nhiên.
2, Mẹ chưa tiêm phòng sởi, đặc biệt ở giai đoạn tiền mang thai.
Hai nhóm có tỷ lệ mắc khá cao nữa là nhóm 1-4 tuổi và 5-10 tuổi. Nhóm tuổi này có mũi vắc xin nhị giá ngừa sởi- rubella khi trẻ 18 tháng tuổi, mũi tiêm này nằm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Năm nay, Hà Nội dự định sẽ tiêm nhắc vắc xin ngừa sởi miễn phí cho nhóm 6-10 tuổi, sau chiến dịch đã tổ chức vào cuối 2018, đầu 2019 cho trẻ 1-5 tuổi.
Bệnh sởi không phải là bệnh nặng, nhưng biểu hiện và những biến chứng của những mùa dịch vừa qua cho thấy rất nguy hiểm nếu nhóm dễ cảm nhiễm (chưa có kháng thể phòng bệnh) lớn và có mầm bệnh. Theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN, hệ số lây truyền với căn bệnh sởi là 12-18, tức là 1 người bệnh có thể lây cho 12-18 người, cao hơn nhiều so với virus SARS- CoV2 đang làm nhiều người lo lắng (hệ số lây là 1,4-4,9- theo báo cáo mới của WHO tại VN). Phòng sởi, vì thế cũng rất quan trọng, để loại trừ một căn bệnh dễ lây trong khi VN đã có và đã sản xuất được vắc xin.
CTV LA - Dự án TCMR