Dịch bại liệt có thể lan đến Việt Nam?
Trước những ngày diễn ra SEAGAMES 31 vừa qua, bệnh bại liệt vốn đã được công bố loại trừ tại nước chủ nhà Philipines, đã bất ngờ được thông báo xuất hiện trở lại. Tuy nhiên không chỉ Philipines, Malaysia cũng đã thông báo ca bại liệt, dù họ cũng đã thanh toán bại liệt từ gần 25 năm qua. Giao lưu và du lịch quốc tế với tần suất cao khiến nguy cơ dịch bệnh lây lan qua biên giới các quốc gia, trong đó có căn bệnh bại liệt nguy hiểm càng trở nên hiện hữu, nhất là trong trường hợp cộng đồng không tiêm và uống đủ liều vắc xin ngừa bại liệt.
Nguy cơ hiện hữu
Trao đổi gần đây với giới truyền thông, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Trần Đắc Phu cho biết mặc dù Malaysia, Philipines đã công bố thanh toán bại liệt từ lâu, nhưng gần đây họ lại thông báo có ca bệnh trở lại. Tuy lẻ tẻ nhưng đã xuất hiện ca bệnh, chứng tỏ mầm bệnh vẫn còn và nguy cơ lây lan rộng là có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, 2 quốc gia Châu Á khác là Pakistan và Apganistan cũng công bố tới 96 ca bệnh bại liệt hoang dại trong năm 2019. Philipines thì công bố dịch ngay trong dịp SEAGAMES 31, là thời gian tập trung nhiều đoàn vận động viên, khách xem thi đấu thể thao từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 vừa qua.
Các dẫn chứng này, theo ông Phu cho thấy bệnh bại liệt có thể xâm nhập vào Việt Nam, trong tình huống du khách đến Việt Nam du lịch ngày càng đông, có thể mang dịch bệnh di chuyển theo và nếu trong tình huống trẻ trong độ tuổi chưa có đủ kháng thể phòng bệnh, chưa được tiêm/uống vắc xin phòng bại liệt hoặc tiêm/uống chưa đủ mũi, nguy cơ lây bệnh là có thể xảy ra, dù Việt Nam đã phải nỗ lực suốt gần 15 năm để được Tổ chức Y tế thế giới công nhận thanh toán thành công bệnh bại liệt vào năm 2000.
Hình ảnh đoàn thể thao Việt Nam tham dự Seagames 30 tại Philippin năm 2019
Ngừa bại liệt: Không thể chủ quan
Thế hệ các bà mẹ trẻ hiện nay rất xa lạ với căn bệnh bại liệt, bởi Việt Nam đã thanh toán căn bệnh này từ 20 năm trước. Nhưng từng có lúc dịch bại liệt là thảm họa vào khoảng những năm 1960, nhiều người chết và mắc căn bệnh này. Sau đó Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ từ quốc tế để tiến hành điều chế thành công vắc xin ngừa bại liệt uống, vắc xin đầu tiên sản xuất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, từ những năm 2000 đến nay thì bệnh không xuất hiện do Việt Nam đã công bố thanh toán bệnh này, từ đó xuất hiện tâm lý chủ quan, cho là nguy cơ bệnh ở rất xa. Tuy nhiên việc các quốc gia láng giềng đã công bố thanh toán bệnh bại liệt nhưng dịch vẫn quay lại, cho thấy Việt Nam cũng có nguy cơ tương tự.
Để phòng bệnh, hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia vẫn triển khai cho trẻ trong độ tuổi 2,3,4 tháng tuổi uống 3 liều vắc xin ngừa bại liệt và hiện mới có thêm một liều vắc xin tiêm ngừa bệnh này (vắc xin IPV) lúc trẻ 5 tháng tuổi. Nếu đảm bảo uống và tiêm đúng liều, theo lịch của Chương trình thì trẻ sẽ đảm bảo được bảo vệ khỏi căn bệnh bại liệt nguy hiểm.
Bảo vệ bằng vắc xin là cách bảo vệ trẻ thông minh và hiệu quả. Các bố mẹ hãy nhớ đưa con đến cơ sở y tế để tiêm chủng đúng lịch.
CTV LC - Dự án TCMR