Điện Biên: Địa phương đứng đầu về số điểm tiêm chủng lưu động
Theo bác sỹ Lê Trọng Cảnh, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Điện Biên, trung bình tỷ lệ tiêm chủng ở quy mô huyện thị của tỉnh này đạt khoảng 90%, ngoại trừ các xã khó khăn thuộc huyện Nậm Pồ, Mường Nhé và Điện Biên Đông nơi có đa số người dân là đồng bào người dân tộc. Do vậy, chương trình tiêm chủng ở các vùng này còn khó khăn trong việc tiếp cận với người dân. Ở một vài xã vùng cao, tỷ lệ tiêm chủng cũng đạt 70-80%, là con số khá thuyết phục nếu so sánh điều kiện với các địa phương đồng bằng. Theo bác sỹ Cảnh, việc tuyên truyền tiêm chủng bằng tiếng dân tộc và đưa vắc xin đến tận thôn bản là biện pháp mà Điện Biên đang tích cực áp dụng để cải thiện tỷ lệ tiêm chủng.
Hơn 900 đội tiêm chủng lưu động
So với các địa phương cùng có đặc thù là vùng núi, vùng khó khăn thì Điện Biên là một trong những địa phương có số lượng đội tiêm chủng lưu động đứng đầu: Hơn 900 đội. Theo bác sỹ Cảnh, Điện Biên cũng như nhiều địa phương khác có những thôn bản cheo leo trên núi cao, muốn đến phải đi bộ cả ngày trời. Từ những năm 1995, Điện Biên bắt đầu thực hiện chủ trương xóa thôn bản trắng về tiêm chủng, thành lập các đội tiêm lưu động. Thành viên của đội sẽ mang vắc xin đến tận bản, tận các gia đình có trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng. Nhờ nỗ lực này mà đến nay theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, toàn quốc không còn thôn bản trắng về tiêm chủng, mà chỉ còn một số “vùng lõm” có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn các địa phương có điều kiện dễ dàng hơn.
Ở nhiều nơi, công tác tiêm chủng còn gặp nhiều khó khăn
“Ở một số xã vùng cao khó khăn, chủ yếu là người Mông sống di cư ’ rất khó tiếp cận để thuyết phục dân hiểu hiệu quả của tiêm chủng phòng bệnh, chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền luôn bằng tiếng Mông”- bác sỹ Cảnh cho biết.
Nhờ hai biện pháp này mà người dân ở các xã vùng sâu vùng xa đã được hưởng thành quả của tiêm chủng mở rộng. Trong đó, những vắc xin đóng lọ nhiều liều một như vắc xin sởi thì cứ 2 tháng các đội tiêm lưu động đến bản 1 lần, còn các vắc xin đơn liều thì tổ chức tiêm lưu động thường kỳ mỗi tháng. Riêng mũi vắc xin viêm gan B mũi sơ sinh, có đặc thù tỷ lệ sản phụ sinh tại nhà rất cao, nhưng với trẻ sinh tại bệnh viện thì gần 100% các cháu được tiêm mũi viêm gan B sơ sinh
Phối hợp với chính quyền địa phương
Một kinh nghiệm mà các địa phương đã thành công trong tiêm chủng mở rộng thường áp dụng là huy động chính quyền vào cuộc hỗ trợ tích cực. Tại Điện Biên, ông Cảnh cho biết Sở Y tế đã ký cam kết với chính quyền các huyện thị, là cơ sở để địa phương hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động này. Nói cho cùng, phòng dịch hiệu quả cũng góp phần tích cực để đảm bảo phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
Mới đây, Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã triển khai riêng một hội nghị nhằm tăng cường tiêm chủng mở rộng ở các vùng khó khăn. Song hành hai biện pháp tiêm chủng tại Trạm y tế xã phường và tiêm lưu động tại vùng khó khăn đang được coi là biện pháp cẩn đẩy mạnh. Nhờ có chiến dịch tiêm chủng sởi- rubella cho trẻ 1-14 tuổi, dịp tết Ất Mùi tỏ ra bình an hơn với dịch sởi. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu không có chiến dịch này, rất khó lường định về quy mô dịch sởi năm 2015 bởi trong thời gian qua chúng ta vừa chứng kiến một vụ dịch sởi lớn nhất trong 10 năm trở lại đây, trong điều kiện VN đang lưu hành bệnh sởi và dịch sởi đang bùng phát tại nhiều nước trên thế giới. Trong tình hình như vậy, nếu mỗi địa phương có sáng kiến riêng, cách làm mới phù hợp với điều kiện địa phương mình thì hiệu quả chương trình sẽ tốt hơn rất nhiều.
CTV - LA