Giao lưu trực tuyến: Tiêm đầy đủ và đúng lịch trong Tiêm chủng mở rộng
(TNO) Để giúp các cha mẹ và cộng đồng hiểu rõ hơn vai trò của tiêm chủng đầy đủ với phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, Thanh Niên Online và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tổ chức giao lưu trực tuyến: “Tiêm đầy đủ và đúng lịch trong Tiêm chủng mở rộng”.
14 triệu trẻ từ 1-14 tuổi đang được tiêm vắc xin sởi-rubella miễn phí. Ảnh: Dương Ngọc
Buổi giao lưu trực tuyến được tổ chức vào thứ Sáu, ngày 13.3, từ 14 giờ đến 16 giờ 30. Các chuyên gia của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế; Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia; Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ cung cấp thông tin toàn diện cũng như giải đáp các thắc mắc về các vấn đề liên quan đến tiêm chủng: lịch tiêm chủng phù hợp lứa tuổi; việc kiểm soát chất lượng vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia; các điều kiện về an toàn tiêm chủng...
Các khách mời tham gia chương trình giao lưu gồm có:
- Thạc sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng.
- Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư.
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng Ban điều hành dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia.
Phó tổng biên tập báo Thanh Niên, bà Đặng Thị Phương Thảo tặng hoa cho các khách mời. Ảnh: Ngọc Thắng.Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng ban Điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia giao lưu cùng bạn đọc. Ảnh: Ngọc Thắng
Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng ban Điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia giao lưu cùng bạn đọc. Ảnh: Ngọc Thắng.
Phó giáo sư, tiến sĩ: Trần Như Dương, phó viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ trung ương trả lời bạn đọc. Ảnh: Ngọc Thắng
Thạc sĩ Nguyễn Minh Hằng, phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng trả lời câu hỏi bạn đọc. Ảnh: Ngọc Thắng
* Nếu tiêm chủng không đúng lịch thì có ảnh hưởng gì đối với trẻ không? Cảm ơn.
Thu Phương, 21 tuổi , Tiền Giang
- Thạc sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Theo lịch tiêm chủng của Chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ cần được tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ sau khi sinh, trong vòng 1 tháng tuổi thì tiêm vắc xin BCG phòng lao, khi được 2, 3 và 4 tháng tuổi thì tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib; khi được 9 tháng tuổi thì tiêm vắc xin sởi; đến 12 tháng tuổi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B. Đây là lịch tiêm chủng phù hợp đối với trẻ em Việt Nam. Nếu trẻ không được tiêm chủng đúng lịch sẽ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nêu trên. Vì vậy, để phòng chống các bệnh truyền nhiễm một cách hiệu quả, trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
* Tình trạng tiêm chủng trẻ sơ sinh bị chết, bác sĩ Minh Hằng nghĩ gì về vấn đề này và có biện pháp như thế nào để tránh tình trạng trên xảy ra lần nữa?
Ngọc Hiền 25 tuổi, Bình Dương
- Thạc sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Tử vong ở trẻ sơ sinh sau khi tiêm chủng có rất nhiều nguyên nhân, có thể do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác, do vắc xin, do lỗi dịch vụ tiêm chủng... Tất cả các trường hợp này đều được điều tra đánh giá, xác định nguyên nhân để có biện pháp khắc phục, đảm bảo an toàn tiêm chủng. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế đã ban hành các quy định về khám sàng lọc trước khi tiêm để loại trừ các trường hợp chống chỉ định hoặc trì hoãn tiêm chủng, tập huấn và tập huấn lại cho các cán bộ y tế thực hiện tiêm chủng, tăng cường giám sát các điểm tiêm chủng để đảm bảo thực hiện đúng quy trình tiêm chủng.
* Những trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin Quinvaxem tại Việt Nam có liên quan đến vắc xin hay không? Xin cảm ơn BS Minh Hằng
Hồng Nga, 41 tuổi, TP.HCM
- Thạc sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Vắc xin Quinvaxem đã được sử dụng tại hơn 90 nước trên thế giới với tổng số liều trên 400 triệu liều. Tại Việt Nam vắc xin được đưa vào Chương trình tiêm chủng từ năm 2010, đến nay đã sử dụng hơn 20 triệu liều (mỗi năm khoảng 5 triệu liều). Đây là loại vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định và khẳng định đạt yêu cầu về an toàn và chất lượng, đồng thời khuyến cao các quốc gia sử dụng trong tiêm chủng thường xuyên. Trong quá trình sử dụng vắc xin, tất cả các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm đều được điều tra đánh giá nguyên nhân và hầu hết đều do trùng hợp ngẫu nhiên, không liên quan đến vắc xin, thực hành tiêm chủng. Tổ chức Y tế thế giới cũng đã cử chuyên gia đánh giá độc lập và kết luận: vắc xin an toàn và hiệu quả. Tỉ lệ phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Quinvaxem tại Việt Nam khoảng 1 trường hợp/1 triệu liều sử dụng, thấp hơn so với thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (20 trường hợp/1 triệu liều sử dụng).
* Xin hỏi thạc sĩ Nguyễn Minh Hằng, con trai tôi được 8 tháng tuổi. Hiện cháu vẫn chưa tiêm phòng vắc xin Quinvaxem. Vậy tôi phải cho cháu đi tiêm phòng bệnh như thế nào?
Thu Minh, 28 tuổi, Vĩnh Long
- Thạc sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là rất quan trọng để phòng bệnh cho trẻ. Theo lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc xin Quinvaxem (phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do Hib) cần được tiêm cho trẻ lúc 2 tháng tuổi (mũi 1), 3 tháng tuổi (mũi 2), 4 tháng tuổi (mũi 3). Con bạn đã 8 tháng tuổi mà chưa được tiêm vắc xin Quinvaxem thì sẽ có nguy cơ mắc các bệnh kể trên. Bạn nên đưa cháu đến trạm y tế xã, phường để được tư vấn và tiêm ngay loại vắc xin này.
* Xin hỏi thạc sĩ Nguyễn Minh Hằng, trường hợp nào trẻ không tiêm được vắc xin Quinvaxem?
Thu Trang, 36 tuổi, Vĩnh Long
- Thạc sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Không tiêm vắc xin Quinvaxem cho trẻ nếu tiền sử có phản ứng mạnh đối với liều tiêm trước, hoặc có phản ứng mạnh đối với vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT), hoặc vắc xin viêm gan B (sốc, sốt trên 39 độ C, khóc dai dẳng trên 3 giờ trong vòng 48 giờ sau khi tiêm vắc xin, co giật trong vòng 3 ngày sau tiêm). Không tiêm cho trẻ nhỏ dưới 6 tuần tuổi vì vắc xin có thể không hiệu quả do còn miễn dịch từ mẹ. Hoãn tiêm nếu trẻ đang ốm, sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính, các trường hợp suy tuần hoàn, suy hô hấp, suy thận...
* Được biết vắc xin phòng bệnh Rubella có nhiều loại, vậy vắc xin nào tốt nhất và phù hợp với người Việt Nam? Mong thạc sĩ Nguyễn Minh Hằng, tư vấn giúp, cảm ơn!
Thanh Trang, 35 tuổi, TP.HCM
- Thạc sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Hiện nay, có một số loại vắc xin có chứa thành phần kháng nguyên phòng bệnh rubella ở dạng vắc xin đơn hoặc vắc xin phối hợp lưu hành tại Việt Nam. Tất cả các vắc xin này đều đã được Bộ Y tế kiểm soát chất lượng trước khi cấp số đăng ký lưu hành và phù hợp để sử dụng cho người Việt Nam.
* Xin hỏi để trẻ an toàn tiêm chủng vắc xin Sởi - Rubella thời điểm nào là tốt nhất (độ tuổi nào)? Xin cảm ơn bác sĩ Hằng.
Hà Quang, 29 tuổi, Đà Nẵng
- Thạc sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khả năng lây lan mạnh, đặc biệt ở trẻ em. Chính vì vậy, trẻ cần được tiêm vắc xin sởi sớm ngay khi đủ 9 tháng tuổi theo lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng. Việc tiêm vắc xin đúng lịch rất quan trọng, không những để bảo vệ trẻ mà còn bảo vệ cho những trẻ chưa có miễn dịch, hoặc chưa đến tuổi tiêm chủng. Sau khi tiêm vắc xin sởi mũi 1 vào lúc 9 tháng tuổi, trẻ có thể được tiêm vắc xin sởi - rubella khi đủ 12 tháng tuổi.
* Xin cho hỏi phụ nữ tuổi sinh đẻ có cần tiêm vắc xin Rubella? Nếu không tiêm sẽ có ảnh hưởng gì về sau này không? Mong thạc sĩ Nguyễn Minh Hằng tư vấn giúp, xin cảm ơn!
Thanh Minh, 28 tuổi, Kiên Giang
- Thạc sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Rubella là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là bệnh có thể gây ra những dị tật bẩm sinh ở trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm vi rút rubella trong thời gian mang thai, dẫn đến dị tật tim bẩm sinh, đục thủy tinh thể, điếc, nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Các dị tật này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và cuộc sống sau này của trẻ, là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Vì thế, phụ nữ tuổi sinh đẻ nên chủ động tiêm vắc xin rubella càng sớm càng tốt trước khi có kế hoạch mang thai. Vắc xin rubella có hiệu quả cao trong việc phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng.
* Xin hỏi các trường hợp dị tật, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV có thuộc diện chống chỉ định hoặc tạm hoãn tiêm vắc xin không? Mong thạc sĩ Nguyễn Minh Hằng tư vấn, xin cảm ơn!
Ngọc Trâm, 26 tuổi, Gia Lai
- Thạc sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Tất cả trẻ em trước khi tiêm chủng đều được tư vấn và khám sàng lọc. Các trường hợp chống chỉ định bao gồm: trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin lần trước, như sốt cao 39 độ C kèm theo co giật, tím tái, khó thở...; trẻ có tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận...; trẻ suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV/AIDS, bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh) thì không tiêm được các vắc xin sống; các trường hợp chống chỉ định khác đối với từng loại vắc xin theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại. Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, các bà mẹ cần thông báo với cán bộ y tế cụ thể về tình trạng và tiền sử tiêm chủng của trẻ, để giúp cán bộ y tế chỉ định đúng đối với từng trường hợp.
* Xin hỏi bà mẹ cần làm gì khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin? Mong bác sĩ Minh Hằng tư vấn giúp, cảm ơn!
Văn Tuấn, 25 tuổi, Quảng Ngãi
- Thạc sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Các bà mẹ khi đưa con đi tiêm chủng cần phải thông báo đầy đủ cho cán bộ y tế về tiền sử tiêm chủng của con, các phản ứng đối với những lần tiêm trước, tình trạng sức khỏe lần này, cho trẻ ăn đủ no trước khi tiêm chủng. Trong khi tiêm phải hỏi cán bộ y tế về loại vắc xin được tiêm lần này. Sau khi tiêm chủng phải cho trẻ ở lại cơ sở y tế 30 phút để theo dõi và khi về nhà, phải tuân thủ hướng dẫn của cán bộ y tế về theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho trẻ sau khi tiêm chủng. Nếu bà mẹ chưa yên tâm về sức khỏe của trẻ sau khi tiêm chủng, có thể liên hệ với cán bộ y tế để được tư vấn kịp thời.
* Xin cho em hỏi những sai lầm khi xử trí vết tiêm vắc xin như thế nào? Mong bác sĩ Minh Hằng tư vấn giúp, cảm ơn!
Bích Khoa, 25 tuổi, Cần Thơ
- Thạc sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Việc theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm là hết sức cần thiết để phát hiện và xử trí kịp thời các tai biến sau tiêm chủng. Sau khi tiêm, trẻ có thể có những phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng đau tại chỗ tiêm... Có thể hồi phục hoàn toàn mà không cần xử trí y tế. Các dấu hiệu cần được theo dõi sau tiêm chủng bao gồm: tinh thần, tình trạng toàn thân, ăn, ngủ, nhịp thở, nhiệt độ, phát ban, các biểu hiện tại chỗ tiêm... Trẻ sau khi tiêm chủng cần được bú mẹ hoặc uống nước nhiều hơn. Chú ý khi bế trẻ không được chạm, đè vào chỗ tiêm. Đối với những trường hợp có các biểu hiện như khó thở, sốt cao co giật, tím tái, ngừng thở..., cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để theo dõi và điều trị kịp thời.
* Xin cho hỏi an toàn tiêm chủng bao gồm những yếu tố nào? Cục Y tế dự phòng đã chuẩn bị như thế nào cho công tác an toàn tiêm trong chiến dịch?
Minh Anh, 29 tuổi, ở Tiền Giang
- Thạc sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Việc triển khai công tác tiêm chủng được thực hiện tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự. Để tiêm chủng an toàn, phải bảo đảm các yếu tố sau: chất lượng vắc xin, thực hành tiêm chủng, bảo quản, vận chuyển vắc xin đúng quy định. Để tổ chức chiến dịch an toàn, Bộ Y tế đã kiểm soát chặt chẽ chất lượng vắc xin, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho việc vận chuyển, bảo quản và thực hành tiêm chủng, cũng như giám sát, xử trí phản ứng sau tiêm, ban hành hướng dẫn cụ thể riêng cho chiến dịch.
* Xin cho biết nguyên nhân vì sao có hiện tượng đau đầu, mệt xỉu đồng loạt với hàng chục học sinh khi tham gia tiêm tại điểm tiêm trong nhà trường? Bác sĩ là người quản lý Cục Y tế dự phòng có nhận xét gì về điều này? Xin cảm ơn!
Minh Trí, 28 tuổi, Đồng Tháp
- Thạc sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Trong thời gian triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 14 tuổi trong tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc vừa qua, đã ghi nhận một số trường hợp các học sinh cấp 1 và cấp 2 có hiện tượng đau đầu, mệt xỉu đồng loạt. Đây là hiện tượng phản ứng tâm lý dây chuyền thường gặp ở lứa tuổi này và đã từng được ghi nhận theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới. Hiện tượng tâm lý này không liên quan đến tiêm chủng. Tất cả các trường hợp này đều hồi phục hoàn toàn sau khi được phát hiện và chăm sóc.
* Vắc xin cần bảo quản như thế nào? Cục Y tế dự phòng có chắc chắc được tất cả các cơ sở y tế đã đủ thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu cho bảo quản vắc xin hay chưa? Nếu chưa thì cần có biện pháp gì không?
Minh Thắng, 32 tuổi, Hà Nội
- Thạc sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Tất cả các vắc xin đều phải được bảo quản trong dây chuyền lạnh đúng theo điều kiện bảo quản. Tất cả các cơ sở tiêm chủng mở rộng đều có đầy đủ các thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu cho bảo quản vắc xin. Các thiết bị này đều được giám sát, kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ. Trong trường hợp cần phải thay thế, sửa chữa, bổ sung, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cùng với các cơ sở tiêm chủng triển khai sẽ thực hiện kịp thời.
* Cục Y tế dự phòng triển khai việc kiểm soát chất lượng vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia và các điều kiện về an toàn tiêm chủng như thế nào?
Minh Anh, 29 tuổi, ở Tiền Giang
- Thạc sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia sử dụng các vắc xin được sản xuất trong nước và nhập khẩu. Tất cả các vắc xin này đều được cơ quan có thẩm quyền kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ nhà sản xuất đến người sử dụng, đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng cho người. Mỗi lô vắc xin trước khi đưa ra thị trường đều được kiểm định để đảm bảo an toàn và chất lượng. Vắc xin từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng đều được bảo quản trong hệ thống dây chuyền lạnh. Bên cạnh đó, các cơ sở tiêm chủng đều phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, cán bộ phải được tập huấn và thực hiện đúng các quy trình theo quy định của Bộ Y tế, bao gồm: khám sàng lọc và tư vấn trước khi tiêm, theo dõi sau tiêm tại điểm tiêm chủng và hướng dẫn theo dõi tại nhà. Tất cả các trường hợp phản ứng sau tiêm đều được theo dõi, xử trí.
* Xin cho biết, sau khi được sử dụng trở lại, tỷ lệ tiêm vắc xin Quinvaxem đã đạt bao nhiêu phần trăm? Có ghi nhận các phản ứng nặng nào không? Nếu có thì đâu là nguyên nhân gây phản ứng?
Quang Minh, Thái Bình
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng ban điều hành dự án TCMR: Vắc xin Quinvaxem đã được sử dụng lại trong tiêm chủng mở rộng từ tháng 9.2013. Các địa phương đã triển khai tiêm vét vắc xin cho những trẻ còn thiếu mũi tiêm. Trong năm 2014, đã có trên 95% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng 3 mũi vắc xin Quinvaxem. Có một số trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nặng được báo cáo và đã được đánh giá đều không liên quan đến vắc xin.
* Một số vắc xin cần tiêm 2 - 3 mũi, trong đó, có vắc xin được yêu cầu mũi 2 cách mũi 1 một tháng, nhưng trong trường hợp bị tiêm gián đoạn 3 - 4 tháng cho trẻ bị ốm, do không có vắc xin, thì có phải tiêm lại từ đầu không?
Minh Đức, Hải Phòng
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng ban điều hành dự án TCMR: Tất cả các vắc xin đều được tiêm chủng đúng lịch, đúng khoảng giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế và của cơ sở sản xuất vắc xin. Nếu vì bất cứ lý do gì mà không được tiêm chủng đúng lịch thì cần phải tiêm chủng càng sớm càng tốt cho trẻ. Trường hợp bị gián đoạn mũi tiêm thì cần phải tiêm mũi tiếp theo mà không cần phải tiêm lại từ đầu.
* Xin cho biết, hiệu quả của Chương trình tiêm chủng mở rộng trong phòng chống dịch bệnh? Ngoài thanh toán bại liệt thì các bệnh khác được kiểm soát như thế nào sau nhiều năm thực hiện tiêm chủng tại Việt Nam?
Thanh Hải, Hà Tĩnh
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng ban điều hành dự án TCMR: Chương trình tiêm chủng mở rộng đã được triển khai tại Việt Nam 30 năm. Hiện nay đã có 12 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có vắc xin phòng bệnh được tiêm chủng vắc xin miễn phí cho trẻ em. So với trước khi triển khai, tình hình các bệnh truyền nhiễm trong tiêm chủng mở rộng đã thay đổi rất nhiều, bệnh bại liệt đã được thanh toán năm 2000, bệnh uốn ván sơ sinh đã được loại trừ năm 2005. Bệnh sởi, bạch hầu, ho gà đã được khống chế. Tỷ lệ mắc bệnh ho gà giảm 844 lần, bệnh bạch hầu giảm 410 lần so với trước khi triển khai chương trình.
* Tôi thấy tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt rất cao 90 - 95% trong các báo cáo do Bộ Y tế công bố. Nhưng tỷ lệ này có đạt được tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa hay không?
Mai Hoàng, Thanh Hóa
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng ban điều hành dự án TCMR: Việc quản lý các mũi tiêm trong tiêm chủng mở rộng được thực hiện ở các tuyến xã, phường. Bên cạnh các báo cáo thường xuyên hàng tháng hoặc báo cáo định kỳ, dự án tiêm chủng mở rộng cũng thực hiện các cuộc điều tra ngẫu nhiên tại các hộ gia đình theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Kết quả các cuộc điều tra đều cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng được báo cáo và kết quả điều tra không có sự khác biệt nhiều, đều đạt tỷ lệ khoảng 90%. Việc tiêm chủng ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa tại một số nơi có thể thấp hơn tỷ lệ tiêm chủng chung của cả nước.
* Hiện nay Việt Nam đã sản xuất được bao nhiêu lọai vắc xin? Có sản phẩm nào được thẩm định hoặc công nhận chất lượng bởi cơ quan chuyên môn quốc tế hay WHO không?
Minh Hòa, Hà Nội
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng ban điều hành dự án TCMR: Việt Nam hiện đã sản xuất được 10/12 loại vắc xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tất cả các loại vắc xin này đều được Bộ Y tế cấp phép sử dụng sau khi thực hiện đánh giá và tiến hành các thử nghiệm lâm sàng đạt kết quả tốt. Vắc xin sởi sản xuất tại Việt Nam được chuyển giao kỹ thuật từ Nhật Bản, là một trong những loại vắc xin được đánh giá là tốt nhất. Một số vắc xin do Việt Nam sản xuất cũng đã được xuất khẩu và sử dụng ở các nước khác.
* Bộ Y tế cho biết Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000, xin cho biết có cần duy trì sử dụng vắc xin bại liệt nữa không? Vì sao?
Thanh Hải, Thái Nguyên
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng ban điều hành dự án TCMR: Việt Nam cùng với các nước thuộc khu vực tây Thái Bình Dương đã thanh toán bệnh bại liệt polio năm 2000 và hiện nay vẫn đang tiếp tục duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt. Tuy nhiên, bệnh này chưa được thanh toán trên quy mô toàn cầu. Hiện một số nước ở châu Phi và khu vực Nam Á vẫn còn bệnh bại liệt. Việc giao lưu quốc tế rất dễ dàng cho việc xâm nhập của virut bại liệt hoang dại từ những nước vẫn còn đang lưu hành sang những nước đã được thanh toán. Vì vậy, cần phải tiếp tục triển khai tiêm chủng vắc xin bại liệt đạt tỷ lệ cao cho tới khi căn bệnh bại liệt được thanh toán trên quy mô toàn cầu.
* Xin cho biết kinh phí triển khai tiêm vắc xin miễn phí trong Chương trình tiêm chủng mở rộng được cung cấp từ nguồn nào? Hằng năm, Nhà nước chi trả bao nhiêu tiền cho tiêm chủng miễn phí?
Ngọc Anh, Hà Nội
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng ban điều hành dự án TCMR: Kinh phí hoạt động của Chương trình tiêm chủng mở rộng được cấp từ nguồn ngân sách nhà nước hàng năm. Nguồn kinh phí này đã sử dụng để triển khai các hoạt động trong tiêm chủng mở rộng, bao gồm việc mua vắc xin và dụng cụ tiêm chủng, cũng như các thiết bị chuyên dụng cần thiết để triển khai tiêm chủng mở rộng ở tất cả các tuyến. Tuy nhiên, số kinh phí được cấp hàng năm nói trên chỉ đáp ứng được khoảng 50 - 70% nhu cầu của tiêm chủng mở rộng. Một số địa phương có cấp bổ sung thêm một phần kinh phí phục vụ cho công tác này. Ngoài ra, một số tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI)... cũng hỗ trợ cho Chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam.
* Xin cho biết vì sao nói tỷ lệ tiêm chủng đạt cao nhưng 2014 vẫn xảy ra dịch sởi? Chiến dịch tiêm sởi - rubella có ngăn chặn được dịch tái bùng phát hay không?
Hoàng Anh, Điện Biên
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng ban điều hành dự án TCMR: Trong nhiều năm qua, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi cho trẻ em đạt cao, trên 90%, tuy nhiên tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều giữa các địa phương. Mặt khác, không phải tất cả những trẻ đã được tiêm vắc xin đều không bị mắc bệnh. Nếu chỉ tiêm một mũi vắc xin sởi thì tỷ lệ bảo vệ trẻ chỉ đạt 80 - 85%, nếu tiêm 2 mũi thì tỷ lệ phòng bệnh cho trẻ đạt 90 - 95%. Một số trẻ có thể bị mắc bệnh sởi sớm, trước khi tới tuổi tiêm chủng. Chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 14 tuổi sẽ bổ sung thêm một mũi vắc xin sởi - rubella giúp trẻ phòng bệnh sởi tốt hơn. Hiện nay, trên 19 triệu trẻ đã được tiêm vắc xin này trong chiến dịch, đã giúp cho việc khống chế dịch sởi bùng phát.
* Tôi thấy có rất nhiều loại bệnh dịch, tại sao lại chỉ có chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella, có phải các bệnh khác đã tiêm đạt yêu cầu nên không cần thiết tiêm chiến dịch?
Phương Anh, Hòa Bình
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng ban điều hành dự án TCMR: Hiện nay, trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đã tiêm vắc xin để phòng 12 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có vắc xin phòng bệnh cho trẻ em như bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não, mủ do vi khuẩn Hib, lao, sởi...Có một số bệnh dịch khác hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, hoặc chưa đưa vào tiêm chủng miễn phí trong Chương trình tiêm chủng mở rộng vì nguồn kinh phí trong tiêm chủng mở rộng hiện mới đáp ứng được việc triển khai những loại vắc xin kể trên.
* Tôi thấy có tình trạng nhà trường bắt buộc các học sinh tham gia tiêm sởi - rubella, mặc dù phụ huynh đã cam kết là tiêm đầy đủ vắc xin dịch vụ rồi. Có phải chủ trương của Bộ Y tế là bắt buộc tiêm hết trong chiến dịch này không?
Một bạn đọc của Thanh Niên online
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng ban điều hành dự án TCMR: Chủ trương của Bộ Y tế đối với việc tiêm vắc xin phòng bệnh sởi và rubella trong chiến dịch năm 2014 - 2015 cho trẻ từ 1 - 14 tuổi là tiêm 1 mũi vắc xin sởi - rubella cho tất cả các trẻ trong độ tuổi trên, chỉ không tiêm chủng cho những trẻ có chống chỉ định đối với vắc xin, hoặc hoãn tiêm đối với trẻ mới tiêm vắc xin sởi, vắc xin sởi - quai bị - rubella (MMA) trong 1 tháng.
* Xin nói rõ, các trường hợp nào sẽ không tiêm vắc xin trong chiến dịch tiêm sởi - rubella?
Minh Minh, TP.Hồ Chí Minh
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng ban điều hành dự án TCMR: Chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 14 tuổi trong năm 2014 - 2015. Khoảng 20 triệu trẻ nằm trong diện tiêm vắc xin này. Những trẻ không tiêm vắc xin sởi - rubella trong chiến dịch này là những trẻ thuộc diện chống chỉ định. Việc chỉ định tiêm loại vắc xin trên sẽ được cán bộ tiêm chủng khám sàng lọc trước khi tiêm. Những trẻ trong độ tuổi tiêm chủng nếu đã tiêm vắc xin sởi, vắc xin sởi - quai bị - rubella (MMA) trong vòng 1 tháng thì thuộc diện hoãn tiêm. Những đứa trẻ này sẽ thuộc diện tiêm vét sau chiến dịch.
* Tôi năm nay 25 tuổi, làm nghề kế toán, vừa kết hôn. Tôi có ý định sinh con. Tôi xin hỏi Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Như Dương, tôi cần tiêm chủng những loại vắc xin phòng ngừa nào?
Trần Thị Thu , 25 tuổi, Long An
- PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện VSDT Trung ương: Một số loại vắc xin nên tiêm trước khi dự định có thai để bảo vệ sức khỏe cho mẹ cũng như tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, gồm: vắc xin cúm, sởi, rubella, viêm gan B. Bạn nên đến các phòng tiêm chủng để được tư vấn và chỉ định tiêm chủng đầy đủ.
* Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia được tiêm phòng bao nhiêu bệnh cho trẻ, ở độ tuổi nào? Chương trình có cách nào để chắc chắn tất cả trẻ em sau sinh đều được tiêm phòng đầy đủ không?
Nguyễn Thị Trang, 24 tuổi, An Giang
- PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện VSDT Trung ương: Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và triển khai từ rất sớm, từ những năm 1981, cho đến năm 1985 đã thực hiện trên quy mô cả nước. Ban đầu, tiêm chủng mở rộng chỉ có 6 loại vắc xin phòng 6 bệnh: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt. Đến năm 1997, 4 vắc xin mới tiếp tục được đưa thêm vào sử dụng trong tiêm chủng mở rộng, bao gồm: vắc xin viêm gan B, viêm lão Nhật Bản, thương hàn, tả. Từ tháng 6.2010, tiếp tục thêm vắc xin Hib phòng bệnh viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib. Và đến năm 2014, vắc xin rubella cũng đã chính thức được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, đánh dấu vắc xin thứ 12 đang được thực hiện tiêm chủng miễn phí trong Chương trình tiêm chủng mở rộng ở nước ta.
* Trong một số trường hợp, sau khi tiêm vắc xin tại địa phương, xảy ra trường hợp trẻ tử vong. Vậy thưa Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Như Dương, những trường hợp mà báo chí nêu ra nguyên nhân chủ yếu là gì? Có phải do quá trình bảo quản có vấn đề? Với tư cách là Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, ông có cách nào để không xảy ra những trường hợp trên? Xin chân thành cảm ơn ông!
Đặng Xuân Khu, 40 tuổi, Hà Nội
- PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện VSDT Trung ương: Tất cả các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc xin, đặc biệt là những trường hợp tử vong, đều được điều tra kỹ lưỡng và được hội đồng chuyên môn tuyến tỉnh, thành phố phân tích, tìm hiểu, kết luận nguyên nhân. Theo kết quả của các hội đồng chuyên môn cho thấy, hầu hết các trường hợp tử vong là do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác mà không liên quan đến vắc xin. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, trong thời gian qua, Bộ Y tế và chương trình mở rộng đã hết sức chú trọng đến vấn đề này. Các giải pháp bao gồm: tập huấn chuyên môn cho toàn bộ hệ thống về đảm bảo an toàn tiêm chủng, khám sàng lọc trước tiêm chủng, phác đồ xử lý khi có phản ứng xảy ra; củng cố về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các điểm tiêm chủng, sẵn sàng các thuốc cấp cứu, đội cấp cứu phản ứng nhanh, tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng và an toàn tiêm chủng.
* Tôi năm nay 30 tuổi, lúc 19 tuổi (2010), tôi có tiêm 3 mũi vắc xin siêu vi viêm gan B, sau 5 năm, tôi có tiêm thêm 1 mũi nữa tại TP.HCM nhưng khác tên loại vắc xin viêm gan B. Đến nay tôi vẫn chưa tiêm lại mũi thứ 5 viêm gan B. Vậy tôi có cần phải đi xét nghiệm tiêm lại không? Nếu trong cơ thể có kháng thể viêm gan B thì tôi năm nay tiêm thêm 1 mũi thứ 5 được không hay tôi phải tiêm chủng viêm gan B lại từ đầu. Mong PGS.TS Trần Như Dương giải đáp giúp. Xin cảm ơn nhiều!
Trần Công Quang, 30 tuổi, Bình Định
- PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện VSDT Trung ương: Về trường hợp của bạn đã được tiêm 3 mũi vắc xin cơ bản và tiêm nhắc lại sau 5 năm là rất tốt. Các loại vắc xin viêm gan B về cơ bản là có thể thay thế cho nhau và đều phát huy tác dụng. Nếu muốn biết chắc chắn về tình trạng miễn dịch phòng bệnh vi rút viêm gan B sau tiêm vắc xin, bạn nên đến các cơ sở y tế để xét nghiệm phát hiện kháng thể. Tùy theo kết quả xét nghiệm, các bác sĩ sẽ tiếp tục tư vấn cho bạn có cần phải tiêm tiếp hay không.
* Xin chào Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Như Dương. Phụ nữ trong độ tuổi nào và cần điều kiện gì để được tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung. Khi tiêm có cần làm những xét nghiệm gì không? Mong Phó giáo sư tư vấn giúp, xin cảm ơn!
Đặng Thị Ngọc, 22 tuổi, Hà Nam
- PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện VSDT Trung ương: Việc tiêm vắc xin phòng ung thư cổ tử cung cho nữ giới là hết sức cần thiết. Các vắc xin ung thư cổ tử cung hiện nay được chỉ định cho trẻ em nữ và phụ nữ từ 9 - 26 tuổi. Trước khi tiêm vắc xin, không cần phải làm xét nghiệm gì. Các bạn hãy đến các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn chi tiết hơn.
* Theo tâm lý của người dân, vắc xin dịch vụ “tốt” hơn vắc xin tiêm chủng mở rộng. Thực hư điều này ra sao, thưa tiến sĩ Trần Như Dương?
Nguyễn An, 28 tuổi, Phú Yên
- PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện VSDT Trung ương: Vắc xin được sử dụng ở Việt Nam dù là trong Chương trình tiêm chủng mở rộng hay tiêm chủng dịch vụ đều phải được kiểm định nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng, tính an toàn. Bên cạnh đó, vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, ngoài việc kiểm định lúc xuất xưởng, còn được kiểm định thường xuyên và đột xuất trong quá trình sử dụng, theo yêu cầu của Bộ Y tế. Chính vì vậy, việc cho rằng vắc xin ở tiêm chủng dịch vụ "tốt" hơn vắc xin ở Chương trình tiêm chủng mở rộng chỉ là vấn đề quan niệm mà thôi.
* Tôi mắc bệnh thủy đậu lúc nhỏ, vậy giờ tôi có bị mắc lại bệnh đó nữa không, có cần tiêm chủng vắc xin phòng ngừa bệnh này không. Mong tiến sĩ Dương cho tôi lời khuyên!
Nguyễn Văn Bằng, Lào Cai
- PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện VSDT Trung ương: Theo thông tin bạn cung cấp, tôi không rõ bạn mắc bệnh thủy đậu là được xét nghiệm, thầy thuốc xác định hay do bạn tự chẩn đoán? Thông thường, sau khi bị mắc bệnh thủy đậu sẽ tạo được miễn dịch bền vững và thường không bị mắc lại lần hai. Tuy nhiên, để xác định chắc chắn mắc bệnh thủy đậu thì cần phải làm xét nghiệm hoặc được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán. Trong trường hợp bạn không chắc chắn về chẩn đoán đã mắc bệnh thủy đậu thì vẫn cần phải tiêm vắc xin thủy đậu để đảm bảo phòng bệnh mà không cần phải lo lắng gì.
* Tiến sĩ Dương cho tôi hỏi, nếu tôi đã tiêm vắc xin viêm gan B, điều này có nghĩa tôi không bao giờ mắc bệnh này đúng không? Rất mong tiến sĩ giải thích cho tôi được rõ, xin cảm ơn!
Nguyễn Tấn Long, TP.HCM
- PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện VSDT Trung ương: Tiêm vắc xin viêm gan B đầy đủ và đúng lịch là biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để phòng bệnh. Lịch tiêm vắc xin viêm gan B đối với trẻ nhỏ thì liều thứ nhất nên tiêm càng sớm càng tốt trong vòng 24 giờ sau sinh. Các liều tiếp theo tiêm vào lúc 2, 3, 4 tháng tuổi cùng với vắc xin "5 trong 1". Đối với người lớn thì lịch tiêm gồm 3 liều, liều thứ nhất tiêm càng sớm càng tốt, liều 2 cách liều tiêm đầu tiên một tháng, liều 3 cách liều tiêm đầu tiên 6 tháng và thường tiêm nhắc lại sau 3 - 5 năm. Sau khi tiêm xong đủ 3 liều, chỉ có khoảng 90% số người được tiêm có miễn dịch bảo vệ và sẽ không bị mắc bệnh. Nhưng để biết chắc chắn bạn có miễn dịch đầy đủ sau khi tiêm hay không, cần phải xét nghiệm máu để khẳng định bạn đã có kháng thể bảo vệ đối với vi rút viêm gan B. Các xét nghiệm này đều có thể thực hiện tại các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng, các viện vệ sinh dịch tễ/ Pasteur.
* Tôi thấy nhiều trường hợp trẻ em có phản ứng sau khi được tiêm vắc xin, khi được hỏi, bác sĩ trả lời do cơ địa. Vậy xin tiến sĩ Dương cho biết, có cách nào biết trẻ dị ứng với vắc xin sắp được tiêm không?
Nguyễn Minh Khôi, 30 tuổi, Hà Nội
- PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện VSDT Trung ương: Bản chất của vắc xin là các kháng nguyên. Khi tiêm vào cơ thể, vắc xin sẽ kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch bảo vệ phòng bệnh. Do là kháng nguyên nên khi tiêm cũng có những phản ứng nhất định. Phần lớn các phản ứng chỉ ở mức độ thông thường và nhẹ, như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, kích thích quấy khóc... Mức độ biểu hiện của các phản ứng cũng tùy thuộc vào từng cơ địa trẻ. Chính vì vậy, để giảm thiểu và phòng ngừa các phản ứng không mong muốn xảy ra thì việc khám sàng lọc trước tiêm, khai thác tiền sử dị ứng của các trẻ và sự phối hợp cung cấp thông tin từ phía cha mẹ về sức khỏe của trẻ, tiền sử phản ứng của những lần tiêm trước đó, là rất cần thiết.
* Tiến sĩ Dương cho tôi hỏi có người trước khi tiêm chủng vắc xin phòng ngừa rubella phải xét nghiệm, có người lại không cần. Tôi rất băn khoăn. Mong tiến sĩ tư vấn và giải thích cho tôi biết rõ sự khác biệt này. Cảm ơn rất nhiều!
Trương Thu Phương, 29 tuổi, Quảng Ngãi
- PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện VSDT Trung ương: Về nguyên tắc, khi tiêm vắc xin rubella không cần phải xét nghiệm đã có kháng thể hay chưa, vì việc xét nghiệm mất thời gian, tốn kém chi phí. Vắc xin rubella rất an toàn, ngay cả khi đã có kháng thể thì việc tiêm vắc xin càng củng cố thêm khả năng miễn dịch cho người được tiêm mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
* Tôi rất băn khoăn khi phải quyết định có nên cho con mình đi tiêm vắc xin Quinvaxem hay không. Tôi mong Phó giáo sư, tiến sĩ Dương giải thích đầy đủ những lợi ích và nguy cơ có thể có khi cho con tiêm phòng loại vắc xin này. Khi tiêm có thể xảy ra những phản ứng gì? Xin chân thành cảm ơn!
Xuân Hoa, 31 tuổi, Hải Phòng
- PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện VSDT Trung ương: Vắc xin Quinvaxem hiện nay đang được sử dụng miễn phí trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là loại vắc xin phối hợp để phòng 5 bệnh trong một mũi tiêm, bao gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn Hib. Vắc xin này được sản xuất tại Hàn Quốc, đã được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định đạt tiêu chuẩn, do Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF) cung ứng. Vắc xin đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế cũng như của Việt Nam. Đến thời điểm này, vắc xin được sử dụng trên 90 quốc gia với trên 400 triệu liều đã được sử dụng an toàn. Chính vì vậy, chị nên cho cháu đi tiêm vắc xin Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng mà không cần phải băn khoăn, lo lắng. Cũng giống như các loại vắc xin khác, khi tiêm vắc xin Quinvaxem cũng có những phản ứng, chủ yếu là thông thường và nhẹ như: sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, quấy khóc... Các phản ứng nặng như sốc phản vệ rất hiếm khi xảy ra.
* Xin chương trình cho hỏi, con gái tôi hồi 1 tháng tuổi có đi tiêm ngừa lao, nhưng đến nay đã gần 1 tháng rồi mà con tôi không có dấu hiệu lên thẹo theo như nhân viên trạm y tế nói. Vậy con tôi có bị nhiễm lao hay không, mong chương trình trả lời giúp.
Lê Phương Thảo, 26 tuổi, kế toán
- PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện VSDT Trung ương: Thông thường sau khi tiêm vắc xin phòng lao thì sau khoảng 2 - 3 tuần, tại chỗ tiêm sẽ xuất hiện nốt nhỏ, sau đó vỡ ra và khoảng 2 tuần sau tự lành và tạo sẹo, hay còn gọi là thẹo. Trường hợp của con bạn, sau 1 tháng chưa có biểu hiện gì thì bạn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế nơi trẻ được tiêm chủng để cán bộ y tế kiểm tra lại.
* Con tôi tiêm vắc xin sởi - rubella - quai bị từ tháng 7 năm ngoái, được hẹn tiêm nhắc lại vào tháng 7 năm nay thì có buộc phải tiêm sớm hơn thời điểm trên không (bởi vì nhà trường yêu cầu tiêm trong chiến dịch sởi - rubella)? Nếu tiêm sớm hơn thì hiệu quả có được như tiêm nhắc lại đúng 1 năm sau không? Các chuyên gia y tế cứ nói là tiêm hiệu quả là phải tiêm đúng liều, đúng thời điểm, vậy trả lời như ông Nguyễn Văn Cường liệu có mâu thuẫn với kêu gọi của các vị về tiêm đúng liều, đúng lịch hay không?
Minh Nguyệt, Hà Nội
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng ban điều hành dự án TCMR: Các đối tượng cần tiêm vắc xin trong chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella là trẻ em từ 1 - 14 tuổi. Những trẻ đã tiêm vắc xin sởi hoặc sởi - quai bị - rubella (MMR) trong vòng 1 tháng và không thuộc diện chống chỉ định thì cần phải được tiêm vắc xin. Việc tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ trong chiến dịch sẽ giúp trẻ phòng bệnh sởi và rubella tốt hơn.
* Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, chủ trương của Bộ Y tế đối với việc tiêm vắc xin phòng bệnh sởi và rubella trong chiến dịch năm 2014 - 2015 cho trẻ từ 1 - 14 tuổi là tiêm 1 mũi vắc xin sởi - rubella cho tất cả các trẻ trong độ tuổi trên, chỉ không tiêm chủng cho những trẻ có chống chỉ định đối với vắc xin, hoặc hoãn tiêm đối với trẻ mới tiêm vắc xin sởi, vắc xin sởi - quai bị - rubella (MMA) trong 1 tháng. Theo tôi, thuốc người ta sản xuất đã có phác đồ. Trong đợt dịch sởi trước, rất nhiều bác sĩ khuyến khích chích mũi 2 sau khi chích mũi một, như thuốc MMR chích mũi 1, từ 4 - 6 năm nhắc lại là đủ kháng thể bảo vệ, nay mới chích hơn 1 tháng lại yêu cầu chích nữa tôi thấy phản khoa học, lãng phí. Chính vì vậy, tôi không đồng tình chủ trương "bắt nhầm hơn bỏ sót này" và không đồng ý cho con tôi chích tiếp.
Trần Văn Trung, quận Tân Bình, TP.HCM
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng ban điều hành dự án TCMR: Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêm 1 mũi vắc xin sởi có thể giúp cơ thể sinh miễn dịch, bảo vệ cho trẻ phòng bệnh sởi khoảng 85%. Nếu trẻ được tiêm mũi 2 vắc xin sởi cách mũi 1 ít nhất 1 tháng thì khả năng bảo vệ trẻ khỏi bệnh sởi khoảng 90 - 95%. Nếu tiêm mũi 3 vắc xin sởi cho trẻ thì có thể bảo vệ phòng bệnh cho trẻ khoảng 95 - 98%. Việc tiêm chủng vắc xin trong các chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh cho các đối tượng giúp trẻ phòng bệnh tốt hơn cho trẻ và cho cộng đồng.
Nguồn: Báo Thanh Niên