GS.TSKH Đặng Đức Trạch: Nhà khoa học lỗi lạc, người xây nền móng cho Chương trình TCMR tại Việt Nam
Giáo sư Đặng Đức Trạch là nhà khoa học lỗi lạc, và là một trong những nhà miễn dịch học, nhà vi khuẩn học hàng đầu của Việt Nam.
Ông là người hoàn thành xuất sắc việc xây dựng một hệ thống các phòng thí nghiệm về vi khuẩn học và miễn dịch học tại các Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các Viện Pasteur, tại các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh/thành phố, tại các Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành trong toàn quốc và tồn tại qua nhiều thập kỷ cho đến nay. Các phòng thí nghiệm được GS xây dựng đã đóng góp quan trọng trong việc chẩn đoán các tác nhân gây bệnh nhanh, chính xác đáp ứng kịp thời cho công tác phòng chống dịch.
GS. TSKH Đặng Đức Trạch là người Thầy của các lớp thế hệ cán bộ trong lĩnh vực Y tế dự phòng ; Ông đã có đóng góp to lớn trong công tác đào tạo cán bộ trong lĩnh vực vi khuẩn học, miễn dịch học và y học dự phòng cho các Viện nghiên cứu, cho cán bộ y học dự phòng các tuyến trên toàn quốc. Giáo sư đã dày công xây dựng các chương trình đào tạo cho các nguồn nhân lực khác nhau như kỹ thuật viên, đến cán bộ trình độ Đại học, sau Đại học, đào tạo nhân lực trong nước và quốc tế về miễn dịch học, vi khuẩn học. Ngày nay nhiều học trò của Giáo sư đã trở thành những nhà khoa học đầu ngành, tiếp bước theo Thầy đóng góp quan trong trong lĩnh vực y học dự phòng.
GS. Đặng Đức Trạch là người có đóng góp vô cùng to lớn, người đặt nền móng cho ngành sản xuất vắc xin trong nước. Giáo sư đã cùng với các cộng sự chuyên nghiên cứu sản xuất các vắc-xin nguồn gốc vi khuẩn: vắc-xin BCG phòng lao, vắc xin bạch hầu-ho gà-uốn ván cho trẻ em, vắc-xin tả uống, vắc xin thương hàn. Hiện nay vắc-xin tả uống của Việt Nam có hiệu lực cao hơn một số vắc-xin cùng loại của một số nước ngoài và đã được chuyển giao công nghệ cho một số quốc gia trên thế giới và là vắc xin dự trữ toàn cầu đáp ứng yêu cầu phòng chống bệnh dịch tả.
Việc nước ta tự sản xuất được nhiều loại vắc-xin có ý nghĩa lớn về kinh tế, tiết kiệm nhiều ngoại tệ, đảm bảo được sự chủ động trong công tác tiêm chủng mở rộng và phòng chống dịch bệnh.
Các vắc xin Giáo sư nghiên cứu và đã đưa vào sản xuất với quy mô công nghiệp đã được sử dụng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng của Việt Nam hơn 30 năm qua; đã góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ mắc và tử vong ở trẻ em Việt Nam; làm thay đổi căn bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em Việt Nam. Các bệnh bạch hầu, ho gà đã giảm hàng trăm lần so với trước khi có vắc xin được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Việt Nam đã loại trừ được bệnh uốn ván sơ sinh từ năm 2005.
Ông là người đem lại diện mạo mới cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia với những thành tựu đặc biệt xuất sắc. Ông chủ trương huy động các nguồn lực xã hội, trong nước và quốc tế để đạt được những thành tựu đặc biệt trong thời gian ngắn. Bằng kinh nghiệm và công sức, đặc biệt với uy tín trong quan hệ quốc tế, ông đã mang về cho hàng triệu trẻ thơ nước ta những liều văc xin dự phòng quý giá.
Giáo sư cùng các cộng sự, đã vạch ra chiến lược vắc xin, theo đường hướng y tế dự phòng, đảm bảo tính công bằng trong chăm sóc sức khỏe trẻ em. Tiêm chủng mở rộng do Giáo sư làm Chủ nhiệm trong hơn 10 năm đã đạt được những thành tích vô cùng to lớn, tiêm chủng đã đến với mọi miền trên cả nước, từ những bản làng trên các triền núi cao hẻo lánh đến các vùng hải đảo xa xôi với chủ trương "tất cả trẻ em đều bình đẳng về tiêm chủng". Các chương trình đã được nhà nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao về tính xã hội hoá và tính hiệu quả. Tiêm chủng Việt Nam luôn được coi là điểm sáng trong các quốc gia của khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Giáo sư cũng là chủ nhiệm Chương trình quốc gia về phòng chống bệnh tiêu chảy (CDD) được thực hiện trong thời gian 1982 -2000. Sự thành công lớn nhất của chương trình là thay đổi được phương cách chữa trị bệnh tiêu chảy tốn kém, ít hiệu quả trước đây bằng trị liệu đơn giản nhất: liệu pháp bù dịch đường uống Oresol.
GS.TSKH Đặng Đức Trạch - người đặt nền móng cho hoạt động lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh tại Việt Nam. Trong hai thập niên 1980- 1990, những năm tháng mà ngành y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở phải đối mặt với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Giáo sư đã đề xuất các hoạt động quản lý lồng ghép các bệnh thường gặp ở trẻ em. Đó là phối hợp lồng ghép thực hiện các chương trình: phòng chống bệnh tiêu chảy (CDD), phòng chống bệnh hô hấp cấp (ARI), phòng chống bệnh sốt rét, phòng chống sốt xuất huyết, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống giun sán, khuyến khích nuôi con bẵng sữa mẹ, sử dung thuốc thiết yếu và tiêm chủng mở rộng...
Giáo sư Đặng Đức Trạch đã có những đóng góp lớn lao trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực y tế dự phòng các tuyến và đặc biệt là chăm sóc sức khỏe cho trẻ em Việt Nam.
Dự án TCMR