Hà Nội xin ý kiến chuyên gia về tiêm chủng mở rộng

Sở Y tế Hà Nội vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến chuyên gia về tiêm chủng mở rộng. Đây là cuộc làm việc đặc biệt, chuẩn bị phương án đối phó với những căn bệnh có vắc xin phòng trong thời gian tiếp theo.

Hình ảnh tại hội nghị xin ý kiến chuyên gia về tiêm chủng mở rộng

Tập trung sởi, ho gà…

Ông Nguyễn Nhật Cảm, GĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết năm 2018, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 6 loại vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi ở Hà Nội đạt trên 95%, 6 tháng đầu 2019, Hà Nội cũng chỉ đạt 94% so với kế hoạch đặt ra. Trong khi đó, dịch sởi diễn biến rất phức tạp trong thời gian 5 tháng đầu năm, với số mắc tăng hơn 23 lần so với cùng kỳ 2018.

“10 tuần gần đây số mắc sởi hạ nhiệt rất nhanh, nhưng mùa đông - xuân lại sắp tới và nguy cơ cũng rất cao do mầm bệnh vẫn đang lưu hành. Ho gà số mắc không quá cao, nhưng cũng có nhiều nguy cơ”- ông Cảm nhận xét.

Để phòng chống dịch bệnh có vắc xin phòng, Hà Nội vừa tổ chức hội nghị xin ý kiến các chuyên gia về y tế dự phòng và tiêm chủng, nhằm tìm các giải pháp có tính khả thi cao và thực hiện trong năm 2019-2020.

“Chúng tôi thực hiện đa dạng các giải pháp chứ không tập trung riêng ở giải pháp nào. Cụ thể các giải pháp đang được đặt ra là tiêm vét cho trẻ thiếu mũi tiêm, rà soát lịch sử tiêm chủng để tiêm bù cho trẻ đang thiếu mũi, duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ, truyền thông tích cực về ý nghĩa tiêm chủng”- ông Cảm chia sẻ.

Trong số các giải pháp đã được đặt ra, Hà Nội chú ý đến việc tiêm bù cho các cháu thiếu mũi tiêm. Năm 2018-2019 Hà Nội đã tiêm chủng vét cho các cháu 1-5 tuổi tiêm thiếu hoặc chưa tiêm mũi vắc xin sởi - rubella, năm 2020 dự kiến sẽ tiêm cho nhóm trẻ 6-10 tuổi. “Nếu nhóm tuổi nào tăng miễn dịch thì sẽ giảm nguy cơ cho các nhóm còn lại”- ông Cảm đánh giá.

Nâng cao tỷ lệ tiêm sởi trong cộng đồng để phòng nguy cơ bùng phát dịch

Tăng tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ, bằng cách nào?

Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở Hà Nội đạt trên 95%, như vậy là năm nào cũng còn một tỷ lệ là gần 5% trẻ chưa được tiêm chủng, nguy cơ dịch sẽ bùng phát nếu nhóm này tích lũy đủ lớn và có mầm bệnh.

Chính vì vậy, dù rất tích cực tiêm chủng và tổ chức nhiều chiến dịch tiêm ngừa, nhưng năm nào cũng có dịch, hết dịch sởi lại đến ho gà, có địa phương có dịch bạch hầu, viêm não Nhật bản…, có đến trên 90% các cháu mắc bệnh chưa được tiêm chủng hoặc không nhớ rõ về tiền sử tiêm chủng. Chính vì vậy, mục tiêu đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng, tăng cộng đồng có đủ miễn dịch để phòng các bệnh lây là rất quan trọng.

Năm nay dịch sởi diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam. Có những quốc gia số mắc lên tới hàng trăm ngàn ca. Phòng chống bệnh chủ động bằng vắc xin rẻ hơn rất nhiêu so với điều trị, nhất là khi dịch bùng phát trên diện rộng. Có thể câu chuyện của Hà Nội là một cách làm để các địa phương khác xem xét, vì dịch bệnh nay không có biên giới, có thể xuất hiện ở khắp nơi khi tấm lá chắn phòng bệnh chưa thực sự tốt.

Dự án TCMR

Các tin khác