Hiểu sai về vắc xin và tiêm chủng

    1. “Thực hiện vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường tốt sẽ không mắc bệnh – vắc xin sẽ không cần thiết nữa” SAI

Việc giữ gìn vệ sinh tốt, rửa tay và sử dụng nước sạch là thực hành tốt giúp con người khỏi mắc một số bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh lây qua đường tiêu hóa. Tuy nhiên, nhiều bệnh truyền nhiễm khác có thể lan truyền trong không khí qua đường hô hấp, qua các giọt nước bọt do ho, hắt hơi như bệnh sởi, rubella, bạch hầu, ho gà, viêm phổi, viêm màng não mủ.. lây qua đường máu như viêm gan B. Vì vậy, mặc dù chúng ta giữ gìn sạch sẽ bằng vệ sinh các nhân nhưng cũng không thể chắc chắn phòng tránh được các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Sự phát triển của khoa học và công nghệ đã cho ra đời các vắc xin phòng bệnh hiệu quả.  Để loại trừ và thanh toán nhân loại đã sử dụng vắc xin là một công cụ hiệu quả: ví dụ như bệnh đậu mùa, bệnh bại liệt. Thực tiễn sử dụng vắc xin tại một số quốc gia cũng cho thấy một số bệnh mà có thể sử dụng vắc xin để phòng ngừa sẽ quay trở lại nếu như chúng ta ngừng tiêm chủng như bệnh sởi, ho gà, bạch hầu. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần chủ động tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe của con mình. Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch giúp bảo vệ các cháu phòng tránh bệnh tật.  Mỗi cá nhân được bảo vệ thì mới có một cộng đồng khỏe mạnh.

     2. “Vắc xin có nhiều ảnh hưởng phụ, gây bệnh nặng và tử vong, thậm chí chung ta không biết được ảnh hưởng lâu dài của nó”. SAI

Vắc xin là an toàn, phản ứng sau tiêm vắc xin thường nhẹ và tự khỏi. Một số phản ứng nặng như sốc phản vệ rất hiếm gặp thường là 1/1 triệu liều vắc xin sử dụng. Cần xác định rõ NGUY CƠ - LỢI ÍCH khi sử dụng vắc xin. Ở những nước mà gánh nặng bệnh tật của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là mối đe dọa tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ thì việc sử dụng vắc xin là biện pháp hữu hiệu.  

     3. “Miễn dịch qua mắc bệnh tốt hơn miễn dịch từ vắc xin”. SAI

Vắc xin tạo ra một đáp ứng miễn dịch tương tự như đối với miễn dịch được sinh ra do mắc bệnh tự nhiên, nhưng vắc xin không gây ra bệnh hoặc không làm cho người được miễn dịch có nguy cơ có các biến chứng đẽ gặp phải nếu bị mắc bệnh tự nhiên. Thực tiễn cho thấy cho việc có được miễn dịch thông qua mắc bệnh tự nhiên có thể là rất nặng nề và có nguy cơ tử vong hoặc tàn phế do bệnh bại liệt, dị tật bẩm sinh ở trẻ em từ bà mẹ mang thai bị nhiễm vi rút rubella, biến chứng của bệnh sởi có thể gây tử vong, ung thư gan do nhiễm vi rút viêm gan B …

Việc sử dụng vắc xin tại Việt Nam gần 30 năm qua đã cho thấy rõ tính an toàn của vắc xin, với hàng trăm triệu liều vắc xin được sử dụng nhưng số phản ứng nặng gặp phải là hãn hữu. Kết quả chương trình tiêm chủng đã bảo vệ được các thế hệ trẻ em không mắc các bệnh truyền nhiễm – miễn dịch có được từ sử dụng vắc xin là rất rõ rệt.

     4. “Những bệnh có thể dự phòng được bằng vắc xin đã được thanh toán ở Việt Nam, do đó không cần phải sử dụng vắc xin đó cho trẻ nữa”. SAI

Mặc dù có một số bệnh phòng ngừa được bằng vắc xin không còn ở nhiều quốc gia song tác nhân gây bệnh vẫn tiếp tục lưu hành ở một vài nơi trên thế giới. Bệnh chưa được thanh toán hoàn toàn. Với mức độ giao lưu quốc tế ngày càng cao, các tác nhân gây bệnh này có nhiều điều kiện thuận lợi để vượt qua biên giới về mặt địa lý và lây nhiễm bất kể ai chưa được bảo vệ. Ví dụ: bệnh bại liệt đã được thanh toán ở Việt Nam nhưng hiện còn lưu hành tại các nước như Afghanistan, Pakistan, Nigieria... và đã gây dịch bại liệt tại nước Trung Quốc rất gần với Việt Nam.

Vì vậy, chúng ta vẫn phải tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao, tránh bỏ sót các cháu không được tiêm chủng cho đến khi thế giới công bố thanh toán bệnh truyền nhiễm. Ví dụ như bệnh dậu mùa phải sau khi thanh toán trên toàn thế giới mới ngừng việc tiêm vắc xin đậu mùa.

     5. “Tiêm nhiều mũi vắc xin hay 1 mũi vắc xin để phòng nhiều bệnh khác nhau làm tăng nguy cơ gây tai biến và có thể gây gánh nặng cho hệ thống miễn dịch”. SAI

Các bằng chứng khoa học chứng minh rằng cùng lúc tiêm cho trẻ nhiều loại vắc xin hay tiêm một loại vắc xin để phòng nhiều bệnh không làm tăng phản ứng phụ và gây gánh nặng cho hệ thống miễn dịch. Hàng ngày chúng ta đã phơi nhiễm với rất nhiều tác nhân gây bệnh. Khi tiêm nhiều loại vắc xin cùng một lúc, lợi ích chủ yếu là giảm số lần phải đến tiêm tại cơ sở y tế, điều này sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí, đứa trẻ cũng sẽ nhiều khả năng hoàn thành lịch tiêm chủng các loại vắc xin theo như khuyến cáo, sớm được bảo vệ phòng chống bệnh truyền nhiễm. Tổ chức Y tế thế giới cũng đã khẳng định việc tiêm vắc xin cho trẻ với các loại vắc xin hoàn toàn không tạo gánh nặng cho hệ thống miễn dịch. Cơ thể hoàn toàn tiếp nhận các vắc xin và tạo ra trí nhớ miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể khi có tác nhân gây bệnh xâm nhập.

Dự án TCMR

Các tin khác