Lơ là tiêm chủng, dịch sởi sẽ trở lại

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ em nhập viện do mắc sởi những tuần gần đây có xu hướng giảm so với các tháng đầu năm, dù đang là thời điểm của bệnh mùa Đông - Xuân.

Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm khuyến cáo, các trẻ vẫn cần được tiêm chủng đầy đủ, bao gồm tiêm sởi. Việc chủ quan, lơ là tiêm chủng sẽ khiến sởi và bệnh truyền nhiễm sẽ bùng phát trở lại.

Nhiều trẻ mắc sởi do trì hoãn tiêm

Theo Chương trinh Tiêm chủng mở rộng quốc gia, trong 10 tháng đầu năm nay ghi nhận hơn 9.000 ca mắc sởi tại 63 tỉnh thành. Nhóm mắc sởi ghi nhận hơn 1.700 trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi lây từ trẻ lớn, người lớn.

 

Phân bố số ca mắc sởi trong 2 năm trở lại đây

Một khảo sát tại Hà Nội về tình trạng tiêm vắc xin sởi ở những trẻ mắc sởi cho thấy, trong số những trẻ chưa tiêm vắc xin sởi có 16% trẻ chưa tiêm do gia đình chờ vắc xin dich vụ hoặc quên lịch tiêm; 4% sợ phản ứng sau tiêm và có bệnh kèm theo; 25% hoãn tiêm do ốm vào ngày tiêm chủng; 55% người lớn không tiêm.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều trẻ mắc sởi chưa tiêm chủng hoặc không nhớ rõ về tình trạng tiêm chủng.

Giảm miễn dịch sởi ở trẻ nhỏ

Theo kết quả nghiên cứu về tồn lưu kháng thể sởi ở trẻ sơ sinh tại Bệnh viện đa khoa Đông Anh (Hà Nội), năm 2016, cứ 4 trẻ sinh ra thì 1 tẻ không có kháng thể phòng sởi. Nguyên nhân do bà mẹ không có kháng thể truyền cho con trong quá trình mang thai. Tỷ lệ có kháng thể thấp nhất ở nhóm bà mẹ 18-19 tuổi, tiếp theo là nhóm 20-24 tuổi; 25-29 tuổi và cao nhất ở nhóm bà mẹ trên 30 tuổi.

Để cho các trẻ được bảo vệ, vắc xin sởi mũi 1 được tiêm cho các trẻ từ 9 tháng tuổi. Mũi 2 (vắc xin phối hợp sởi-rubella) tiêm cho trẻ 18 tháng tuổi. Vắc xin phối hợp sởi-rubella do Việt Nam sản xuất đã đưa vào tiêm chủng mở rộng từ 2018 trong tiêm chủng thường xuyên và chiến dịch. 

CTV LC - Dự án TCMR

Các tin khác