Năm nguyên nhân gây phản ứng sau tiêm chủng

Phản ứng sau tiêm chủng là nỗi lo lắng thường trực của tất cả các bậc cha mẹ có con ở lứa tuổi tiêm chủng. Đưa bé đi tiêm có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé hay không, bé có sốt, đau sau tiêm và thậm chí các tai biến nghiêm trọng khác hay không?

Những lo lắng này khiến cha mẹ có thể do dự và bỏ mũi tiêm khi bé đến lịch tiêm chủng, trong khi nguy cơ và hậu quả nếu bé mắc các bệnh truyền nhiễm do không được tiêm chủng đầy đủ còn lớn hơn rất nhiều. Vụ dịch sởi cuối 2013 đến giữa 2014 là bài học lớn liên quan đến tình trạng do dự, lo ngại phản ứng sau tiêm và bỏ mũi tiêm khiến trẻ không được tiêm chủng đầy đủ.

Theo đánh giá của các chuyên gia về vắc xin và tiêm chủng, tất cả các vắc xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, không có loại vắc xin nào tuyệt đối an toàn và có thể có những phản ứng xảy ra sau tiêm chủng. Ngoài ra việc thực hành tiêm chủng đối khi cũng có thể là nguyên nhân của phản ứng sau tiêm chủng. Phản ứng sau tiêm chủng là bất kỳ sự kiện sức khỏe nào xảy ra sau tiêm chủng, không nhất thiết phải có mối quan hệ nhân quả với việc sử dụng vắc xin.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới phân loại năm nguyên nhân dẫn đến phản ứng sau tiêm chủng như sau:

Phản ứng liên quan đến vắc xin

Là phản ứng của từng cá nhân đối với các thành phần có trong vắc xin, bao gồm các phản ứng thông thường và phản ứng hiếm gặp, hầu hết các phản ứng liên quan tới vắc xin là nhẹ và tự khỏi. Phản ứng nghiêm trọng liên quan tới vắc xin rất hiếm gặp.

Phản ứng liên quan đến chất lượng của vắc xin

Phản ứng liên quan tới chất lượng của vắc xin có thể do khiếm khuyết xảy ra trong quá trình sản xuất vắc xin và làm tăng nguy cơ các phản ứng sau tiêm chủng.

Hiện tại, rất hiếm gặp phản ứng sau tiêm chủng do khiếm khuyết về chất lượng của vắc xin, do các cơ sở sản xuất vắc xin đều đã áp dụng thực hành sản xuất tốt (GMP), đồng thời kiểm định chặt chẽ đối với từng lô vắc xin trước khi sử dụng. Việc này giúp giảm thiểu tối đa những phản ứng như vậy. Việc kiểm định vắc xin trong quá trình sản xuất, trước khi được phép xuất xưởng và trước khi sử dụng cũng được thực hiện hết sức nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo vắc xin có chất lượng tốt nhất và đảm bảo an toàn đối với người sử dụng.

Phản ứng liên quan đến sai sót tiêm chủng

Phản ứng liên quan đến sai sót tiêm chủng bao gồm phản ứng liên quan  quá trình bảo quản, vận chuyển, chỉ định và tiêm chủng vắc xin không đúng. Những phản ứng này đều có thể phòng  ngừa được. Ngày nay có nhiều loại thiết bị bảo quản lạnh chuyên dụng, trong đó có loại thiết bị theo dõi nhiệt độ được trang bị đầy đủ cho các tuyến trong tiêm chủng mở rộng. Việc thực hiện đúng các quy định trong vận chuyển, bảo quản vắc xin, cùng hoạt động thực hành tiêm chủng đúng quy trình (khám sàng lọc để có chỉ định tiêm chủng thích hợp, thực hành pha hồi chỉnh vắc xin đối với loại vắc xin dạng đông khô), hoặc các thực hành tiêm chủng khác như sử dụng bơm kim tiêm tự khóa an toàn luôn luôn được chú trọng.

Phản ứng liên quan đến lo lắng khi tiêm chủng

Đây là phản ứng của cơ thể do sự lo lắng quá mức với tiêm chủng. Phản ứng này hay gặp ở nhóm trẻ lớn, người lớn, đặc biệt trong các đợt tiêm chủng cho nhiều đối tượng. Trong chiến dịch tiêm vắc xin sởi-rubella vừa qua, có một số địa phương ghi nhận phản ứng dây chuyền này. Tuy nhiên tất cả các cháu đều bình phục ngay sau khi được chăm sóc tại điểm tiêm chủng hoặc cơ sở y tế.

Trùng hợp ngẫu nhiên

Là phản ứng sau tiêm không phải do vắc xin hay sai sót tiêm chủng, cũng không liên quan lo lắng khi tiêm chủng, mà là do bệnh lý sẵn có của đối tượng được tiêm chủng. Phản ứng có thể xảy ra trùng hợp với thời điểm tiêm chủng và đôi khi có thể bị cho là do tiêm chủng vắc xin. Lịch tiêm chủng cho trẻ em thường bắt đầu rất sớm. Giai đoạn này trẻ rất dễ bị nhiễm trùng hay các bệnh bẩm sinh hoặc có các dấu hiệu thần kinh kể cả tử vong vì thế rất dễ bị quy do tiêm chủng.

  

                                             Dự án TCMR

Các tin khác