Người làm tiêm chủng ở đất Mũi
Chúng tôi đến Lâm Hải, Năm Căn, Cà Mau vào lúc sáng sớm, sớm nhưng nắng đã lên. Ở mảnh đất địa đầu tổ quốc này, cái đang thiếu là đường giao thông, cả xã 11 thôn nhưng chỉ 2-3 thôn có đường xe máy và ô tô đi được, các thôn còn lại muốn di chuyển phải đi xuồng. Nhưng cái nhiều ở đây là nắng, là gió, là tình người.
Ở Năm Căn
Đây là lần đầu tiên tôi đến Năm Căn, điều lạ kỳ thứ nhất là tất cả những người tôi gặp đều mặc áo sơ mi xanh, trên ngực áo có dòng chữ “Trung tâm Y tế Năm Căn”. Nhưng không phải tất cả những người mặc áo xanh đều làm việc ở Trung tâm y tế Năm Căn, có thể họ làm việc ở xã, ở tỉnh, ở đâu đó, nhưng ở đây thì chẳng ai quan tâm đến khoảng cách địa lý, đến “màu cờ sắc áo”, mà quan tâm là họ cùng ở đất Mũi này, cùng một công việc là chăm sóc sức khỏe cho bà con ở đây.
Những chiếc áo xanh "Trung tâm Y tế Năm Căn"
Người đất Mũi thật thà, chả thế khi chúng tôi hỏi cha mẹ đưa con đến tiêm chủng là họ làm gì? Ai cũng nói là “làm vuông”. Mấy năm nay làm tôm không tốt như trước đây, cả gia đình có khi chỉ kiếm được trên chục triệu đồng/vụ, hai bên bờ kênh, những ngôi nhà sàn mái tôn, vách thưng bằng cây, chen với những rừng đước, rừng sú vẹt mênh mông.
Cuộc sống vất vả nhưng người dân lại rất quan tâm đến tiêm chủng. Ở Trạm Y tế xã Lâm Hải, khi trời đã trưa chúng tôi gặp một gia đình đưa con gái hơn 3 tuổi đến trạm. Người mẹ cho biết nghe loa truyền thanh báo hôm nay Trạm y tế tổ chức tiêm chủng, chị lật đật đưa con đến mà cũng không nhớ con mình đã đến lịch tiêm hay chưa, đã tiêm đủ mũi hay chưa, chỉ cần nhắc tiêm chủng là… đưa con đi. Sự “quên” đáng yêu như thế, nên ai có mặt cũng phải bật cười.
Bác sĩ Trần Thiện Thanh, GĐ Trung tâm Y tế Năm Căn chia sẻ để tiết kiệm những vắc xin đóng lọ lớn, mỗi tháng huyện tổ chức 6 ngày tiêm chủng, nhưng nhắc bà con nhớ “ngày trọng điểm” để cha mẹ đưa con đến tập trung, đỡ hao vắc xin. “Tôi đã làm việc ở đây hơn 30 năm, trước đây sởi rất nhiều, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bệnh nhân lao cũng rất nhiều. Nhờ tiêm chủng đến nay bệnh lao giảm, ho gà, uốn ván đều giảm rất mạnh, năm trước không có bệnh nhân sởi, năm nay là dịch chung ở nhiều nước trên thế giới, nên có hơn 20 ca bệnh tính từ đầu năm”- bác sĩ Thanh chia sẻ.
Tiêm chủng thành một phần không thể thiếu của người dân Đất Mũi
Người “lạ” ở đất Mũi
Nước da đen, dáng chắc khỏe, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Quý làm trưởng Trạm Y tế Lâm Hải trông không giống dáng một bác sĩ, mà giống hệt những người làm vuông tôm. Anh vốn không phải quê ở đây, mà vốn gốc ở Bạc Liêu, cha mẹ già giờ chỉ còn mỗi mình anh Quý, anh muốn về Bạc Liêu lắm lắm, nhưng nếu anh đi, xứ này lại vắng một bác sĩ.
Chúng tôi theo anh Quý lên xuồng đến một gia đình ở thôn Biển Trượng. Đường lên nhà lầy lội, nếu mưa thì khó đi hơn nữa. Trong nhà có bà cụ bị liệt nằm một chỗ đã lâu, lại có cháu nhỏ đang độ tuổi tiêm chủng. Thật lạ là anh Quý biết hết hoàn cảnh gia đình, anh cho biết rảnh rỗi anh lại ghé để hỏi thăm sức khỏe, khám, cho đơn thuốc, vì thế nên dù nằm một chỗ lâu ngày, bà cụ không hề bị loét. Cháu nhỏ sinh ở Đồng Nai, ngoại trừ mũi viêm gan B sơ sinh tiêm ở Đồng Nai, các mũi còn lại đều tiêm ở Trạm Y tế xã Lâm Hải.
Ở cạnh Trạm Y tế có căn nhà công vụ bé xíu, ở đó là nơi vợ chồng con cái anh Quý đang sống. Vợ anh cũng làm ở trạm này. Khi hỏi chuyện vì sao anh lại “lạc bước” từ Cà Mau về đất Mũi, phải xa cha mẹ mẹ già, anh Quý thành thật chia sẻ vì ngày đó anh đến đây với cô gái hiện đang vợ anh, rồi anh mến cảnh, mến người, bà con đang cần bác sĩ nên… ở lại. Cũng đã 12-13 năm rồi. Những năm đầu khó khăn, giờ trước cửa trạm y tế đã có đường nhựa, dù chỉ là một đoạn ngắn, nhà đã được đắp nền cao, không sợ nước ròng, cuộc sống đã “đỡ” rất nhiều rồi.
Chúng tôi đến Lâm Hải đầu tháng 6-2019. Khi nào quay lại nhé, nhớ đến chúng tôi nhé… Những lời dặn dò ân tình ấy khiến chúng tôi day dứt quá, nhưng biết bao giờ mới có dịp trở lại? Chưa kịp trở lại, đã có một lời nhắn ra Hà Nội: Bác sĩ Quý quyết định sẽ ở lại Lâm Hải, tiếp tục làm một “người lạ” mà quen ở đây. Rồi sẽ thành quê hương, bác sĩ Quý ạ, ở lâu rồi sẽ thành quê hương.
Dự án TCMR