Những nguy cơ khiến ho gà gây biến chứng nặng
35 trường hợp mắc ho gà tại Hà Nội đã được ghi nhận từ đầu năm đến nay. Các chuyên gia cảnh báo số mắc dễ gia tăng trong mùa Đông - Xuân
Theo Sở Y tế Hà Nội lũy tích năm 2019 đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 35 trường hợp mắc ho gà.
Sở Y tế Hà Nội lưu ý, ho gà là bệnh lây truyền cấp tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện chính của bệnh là cơn ho dữ dội, thở rít vào. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của người bệnh khi ho, hắt hơi. Khả năng lây lan của bệnh cao, nhất là đối với những trẻ sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín như trường học,…
Thời gian đầu mắc bệnh ho gà, trẻ thường xuất hiện những cơn ho nhẹ, sau đó ho nhiều hơn, hắt hơi, chảy nước mũi, sốt nhẹ. Tới giai đoạn kịch phát, trẻ có cơn ho kéo dài, xuất hiện một cách tự nhiên hay do một kích thích nhỏ. Trẻ ho rũ rượi, đỏ mặt, thở rít (khi hít thở sẽ xuất hiện tiếng rít như tiếng rít cổ ở gà), nôn nhiều đờm, đặc quánh. Đặc biệt, ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có những cơn ngừng thở ngắn. Ngoài ra, trong giai đoạn này còn thấy một số dấu hiệu như chảy máu cam, xuất huyết kết mạc mắt hay bầm tím quanh mi mắt dưới.
Tiêm chủng là cách phòng bệnh hiệu quả nhất
Nguy cơ biến chứng nặng
Nếu kèm theo một trong các yếu tố sau, trẻ bị ho gà sẽ đối diện với tiên lượng nặng: trẻ dưới 6 tháng tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tháng; ăn uống kém, nôn nhiều; cơn ngừng thở; co giật; viêm phổi.
Để phòng bệnh ho gà, tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ là biện pháp đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất lên tới 90%. Cùng đó, cho trẻ tránh tiếp xúc những người có nghi ngờ bị ho gà. Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cũng không nên cho tiếp xúc với trẻ nhỏ, nhất là những trẻ chưa được tiêm phòng. Nếu trong gia đình có người bị ho gà thì cần phải điều trị dứt điểm, các thành viên khác cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần người bệnh và có hướng điều trị, kiểm tra cho cả gia đình xem có bị lây bệnh không vì bệnh rất dễ lây lan qua đường hô hấp.
Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh ho gà chủ động và hiệu quả nhất .
Vắc xin “5 trong 1” tiêm chủng mở rộng có thành phần ho gà chỉ định tiêm cho các trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi. Trẻ cần được tiêm nhắc mũi 4 lúc 18 tháng tuổi. Những trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, tiêm chủng muộn cần tiêm chủng càng sớm càng tốt sau đó để phòng bệnh ho gà hiệu quả.
Để bảo vệ cho trẻ nhỏ, các trẻ lớn trong gia điình cũng cần được tiêm chủng đủ mũi. Bà mẹ khi mang thai tiêm chủng vắc xin chứa thành phần ho gà vô bào giảm liều (Tdap) có thể tạo miễn dịch cho mẹ và truyền kháng thể để bảo vệ bé trong những tháng đầu đời. Tuy nhiên, phải trả phí khi tiêm chủng vắc xin này.
Cảnh báo ho gà ở người lớn Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận và điều trị bệnh nhân 43 tuổi mắc bệnh Ho gà . Theo PGS. TS. Nguyễn Hải Anh, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: đây là lần đầu tiên, gặp bệnh nhân ho gà ở người lớn trong suốt 35 năm làm lâm sàng. Dù bệnh ho gà về cơ bản đã được kiểm soát và thường chỉ xảy ra ở trẻ em nhưng cũng không vì thế mà chủ quan, không nghĩ đến ho gà trên người lớn. Việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân mới giúp cho điều trị hiệu quả. Người dân, cũng như các thầy thuốc cần ý thức được rằng, người lớn cũng có thể mắc bệnh Ho gà, mặc dù rất ít gặp. Để phòng bệnh cho trẻ em , cần phải đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ. |
CTV LC – Dự án TCMR