Tăng cường chất lượng công tác tiêm chủng mở rộng

Chương trình Tiêm chủng mở rộng của Việt Nam đã được triển khai trên phạm vi cả nước từ năm 1985 đến nay và đã đạt được những thành quả to lớn trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ trẻ em Việt Nam. Bệnh bại liệt đã được thanh toán tại Việt Nam từ năm 2000, bệnh uốn ván sơ sinh được loại trừ từ năm 2005 như cam kết của Nhà nước ta với cộng đồng quốc tế, các bệnh khác trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) cũng được khống chế hiệu quả.      

Trong nhiều năm qua, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế về việc tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, Dự án TCMR đã triển khai nhiều hoạt động để nâng cao chất lượng dịch vụ tiêm chủng cho người dân. Hoạt động tập huấn mới và tập huấn lại về quy trình an toàn tiêm chủng cho các cán bộ tiêm chủng các tuyến. Dự án TCMR đã xây dựng và cập nhật tài liệu, quy trình, văn bản hướng dẫn triển khai công tác tiêm chủng mở rộng. Các tài liệu, hướng dẫn này được phổ biến đến các cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng mở rộng thông qua nhiều hình thức như tập huấn, giao ban hàng tháng, đăng tải trên trang web về tiêm chủng mở rộng...Các thông tin về an toàn tiêm chủng ngày càng được phổ biến, công khai trên các phương tiện thông tin để các cán bộ y tế có thể cập nhật nhanh chóng, dễ dàng. Bộ Y tế cùng thường xuyên có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai. Thông tư 12/2014/TT-BYT ra đời ngày 20/3/2014 thay thế cho Quyết đinh số 23/2008/QĐ-BYT, văn bản mới đã được phổ biến đến các địa phương . Đến nay, các địa phương trên cả nước đã nghiêm túc thực hiện tổ chức buổi tiêm chủng dưới 50 trẻ/buổi tiêm.     

Tiêm chủng đầy đủ là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất cho trẻ nhỏ

Bên cạnh đó, việc giám sát hỗ trợ các điểm tiêm chủng được thực hiện thường xuyên bao gồm cả giám sát tại các điểm tiêm chủng chiến dịch và tiêm chủng thường xuyên.      

Hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin tiêm chủng mở rộng cũng được tăng cường. Được sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam và các Tổ chức quốc tế, các điểm tiêm chủng tại xã/phường đã được cấp đủ phích vắc xin, đảm bảo bảo quản lạnh vắc xin từ kho vắc xin đến điểm tiêm chủng. Các kho vắc xin tại Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, huyện cũng được cung ứng đủ các thiết bị lạnh đạt tiêu chuẩn quốc tế bao gồm tủ lạnh, tủ đông băng, hòm lạnh bảo quản và vận chuyển vắc xin trong tiêm chủng thường xuyên và chiến dịch.      

Hiện nay, chương trình TCMR đã triển khai các vắc xin phòng 12 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gồm có vắc xin phòng lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn. Trước khi sử dụng để tiêm chủng, các vắc xin này đều được cấp giấy phép lưu hành ở Việt Nam khi đã đạt chất lượng cũng như yêu cầu về an toàn khi sử dụng. Hàng chục triệu mũi tiêm chủng mỗi loại vắc xin đã được triển khai trong TCMR trong nhiều năm qua. Ví dụ như vắc xin phối hợp 5 thành phần DPT-VGB-Hib (GAVI) hỗ trợ triển khai từ tháng 6 /2010. Vắc xin này đạt tiêu chuẩn tiền kiểm định của Tổ chức Y tế Thế giới và được sử dụng tại hơn 90 nước trên toàn thế giới. Đến nay, có hơn 20 triệu lượt trẻ em được tiêm chủng an toàn loại vắc xin này. Với hơn 90% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin cơ bản, kết quả tiêm chủng hàng năm đã khẳng định sự tin tưởng của các bậc phụ huynh vào chất lượng của công tác TCMR.        

Chương trình TCMR đã gặt hái được rất nhiều thành công trong nhiều năm qua, được đánh giá là một trong nhưng chương trình hiệu quả nhất của chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Tuy nhiên, chương trình còn rất nhiều thách thức, khó khăn. Với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng dịch vụ tiêm chủng của người dân thì các cán bộ tham gia công tác TCMR tại các cơ sở luôn ý thức về trách nhiệm trong từng công việc và cần có sự hỗ trợ, sát sao của tuyến trên. Hơn nữa, cần tăng cường và đổi mới công tác truyền thông vận động cộng đồng, huy động sự ủng hộ, vào cuộc của các bộ ban ngành, chính quyền các cấp cũng như sự phối hợp của cơ quan truyền thông đại chúng.

Dự án TCMR

Các tin khác