Thiếu hụt kháng thể phòng sởi ở phụ nữ có thai và nguy cơ mắc sởi ở trẻ sau sinh

Đây là một trong những căn nguyên dẫn đến việc dịch sởi vẫn đang là bệnh lưu hành, dù ngành y tế đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn dịch. Ở Việt Nam năm 2019 này cũng là năm có dịch sởi rải rác ở nhiều địa phương, đặc biệt giai đoạn nửa đầu năm.

Nên tiêm sởi cho phụ nữ tuổi sinh đẻ

Những năm qua, nhiều nước trên thế giới đã công bố loại trừ bệnh sởi, nhưng gần đây dịch sởi đã quay lại. Đặc điểm dịch tễ học của bệnh sởi đã thay đổi sau một thời gian dài toàn thế giới tiêm vắc xin sởi, như tính mùa và chu kỳ không còn rõ nét, thời gian giữa các vụ dịch sởi kéo dài hơn, quy mô các vụ dịch bị thu nhỏ nhưng có xu hướng tái diễn, lứa tuổi mắc sởi dần dịch chuyển sang lứa tuổi lớn và đặc biệt ghi nhận số mắc cao ở trẻ rất nhỏ khi chưa đến tuổi tiêm chủng.

Từ năm 2000, hầu hết các quốc gia đều triển khai tiêm vắc xin sởi bổ sung mũi 2, Chỉ có 45 quốc gia vẫn triển khai tiêm chủng thường xuyên một liều duy nhất lúc 9 tháng tuổi. Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi cao nhưng không phải tất cả các đối tượng đều có kháng thể bảo vệ với virút sởi, đặc biệt sự thiếu hụt kháng thể ở phụ nữ có thai dẫn tới thiếu hụt kháng thể ở trẻ ngay sau sinh và tăng nguy cơ mắc sởi sớm ở trẻ.

Kết quả đánh giá vừa được đăng tải trên website chính thức của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội cho thấy tại huyện Đông Anh, Hà Nội, chỉ 50% phụ nữ nhóm tuổi 18-19 có kháng thể, trong khi 90,5% phụ nữ 30 tuổi và hơn có kháng thể. Điều này ảnh hưởng đến khả năng truyền kháng thể cho con, trong đó yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến mức độ kháng thể của mẹ chính là tình trạng mắc sởi tự nhiên, hoặc tình trạng tiêm vắc xin sởi trước đó của người mẹ.

Qua các nghiên cứu cũng cho thấy phụ nữ mắc sởi tự nhiên có nồng độ kháng thể cao hơn nhóm phụ nữ đươc tiêm chủng, tỷ lệ có kháng thể đủ bảo vệ với vi rút sởi nhóm phụ nữ mắc sởi tự nhiên cao hơn nhóm phụ nữ được tiêm chủng. Tuy nhiên từ năm 2000 VN đã triển khai tiêm sởi mũi 2 cho trẻ em, tỷ lệ người mắc sởi thấp đi và cũng đồng nghĩa với việc kháng thể từ mẹ truyền sang con cũng có khả năng thấp hơn ở nhóm phụ nữ trẻ, sinh từ năm 2000. Để tăng khả năng phòng bệnh cho can các bà mẹ ở nhóm tuổi này, các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo nên tiêm chủng vắc xin sởi mũi nhắc lại cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

 Miễn dịch bệnh sởi của mẹ sẽ giúp bảo vệ trẻ giai đoạn đầu đời

Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của trẻ 

Kháng thể ở trẻ sau sinh là kháng thể được truyền một cách tự nhiên từ mẹ sang con trong quá trình mang thai hoặc qua sữa mẹ. Trẻ nhỏ được bảo vệ trong những tháng đầu đời không mắc sởi chủ yếu là nhờ kháng thể IgG do mẹ truyền qua nhau thai. còn kháng thể bảo vệ rất khác nhau.

Qua khảo sát phụ nữ có thai chia thành 2 nhóm là nhóm sinh trước và sinh sau khi triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng, cho thấy ở 3 tháng tuổi, có 21/73 (29%) con của phụ nữ được tiêm chủng vẫn còn kháng thể bảo vệ so với 51/85 (60%) con của phụ nữ miễn dịch tự nhiên.

Ở 6 tháng tuổi có 11/72 (15%) mẫu máu con dương tính, tất cả đều là con của bà mẹ có miễn dịch tự nhiên, còn vào 9 và 12 tháng tuổi không có mẫu nào có kháng thể với vi rút sởi dương tính. Theo đánh giá tại huyện Tứ Kỳ, Hải Dương chỉ có 13,1% trẻ từ 2-9 tháng có kháng thể bảo vệ với vi rút sởi, nhóm trẻ 2 tháng tuổi 36,1% có kháng thể, nhóm trẻ 3-5 tháng chỉ còn 21,3% có kháng thể và nhóm trẻ 6-9 tháng chỉ còn 0,5% có kháng thể.

Tình trạng kháng thể kháng virút sởi ở phụ nữ có thai có xu hướng giảm ở người trẻ tuổi, khoảng trống miễn dịch đang gia tăng trong cộng đồng. Tình trạng kháng thể của trẻ sau sinh phụ thuộc chủ yếu vào tình trạng kháng thể mẹ, nhưng cũng có xu hướng giảm nhanh ngay sau sinh và giảm nhiều hơn ở những trẻ sinh ra từ những bà mẹ trẻ tuổi, nên trẻ sau sinh hiện nay có nguy cơ mắc sởi cao và sớm. Các chuyên gia cũng cho rằng cần có những đánh giá thường xuyên về khoảng trống miễn dịch sởi ở các nhóm nguy cơ khác nhau để nghiên cứu các chiến lược hiệu quả nhằm làm giảm nguy cơ mắc sởi sớm ở trẻ sau sinh.

Dự án TCMR

Các tin khác