Tiêm Vắc xin Viêm gan B sơ sinh phòng nguy cơ ung thư gan
Tại nhiều địa phương tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh (trong 24 giờ đầu sau sinh)trong năm 2019 đã đạt tỷ lệ cao: 80-96%. Đây là mũi tiêm quan trọng đầu đời giúp trẻ được bảo vệ trước nguy cơ mắc viêm gan, ung thư gan do vi rút viêm gan B
Ngăn chặn lây nhiễm vi rút viêm gan B từ mẹ-con
Theo CDC Yên Bái, trong 7 tháng đầu năm nay, đã có 6.341 trẻ được tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh đạt tỷ lệ 96,8%. Tại Hà Nội, PSG-TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, tỷ lệ trẻ tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh cũng tăng đều qua các năm, với tỷ lệ cao. Trong 8 tháng đầu năm hiện đã có 64.023 trẻ tiêm vắc xin này, đạt 83,5% tiến độ của 2019.
Theo báo cáo của các địa phương, tại nhiều tỉnh thành, sau một thời gian giảm thấp, tỷ lệ tiêm viêm gan B sơ sinh đang tăng lên, nhiều địa phương đã đạt 70-80%. Một số địa phương đã có các hình thức triển khai tiêm vắc xin viêm gan B phù hợp, tạo thuận lợi cho các bà mẹ ở vùng cao, vùng núi.
Theo Cục Y tế dự phòng,Bộ Y tế, viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút viêm gan B gây ra.Việt Nam là nước thuộc vùng có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao với tỷ lệ HBsAg của Việt Nam khoảng 10-20%. Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ HBsAg ở phụ nữ có thai >10%. Trẻ sơ sinh có nguy cơ lây nhiễm khi sinh từ 10% đến 90% nếu mẹ bị nhiễm viêm gan B. Đây là đường lây nhiễm nguy hiểm nhất. Nếu trẻ sơ sinh bị lây nhiễm vi rút viêm gan B từ mẹ sẽ có nguy cơ trở thành bệnh mãn tính là 90% và khoảng 25% trong số đó sẽ có nguy cơ bị ung thư gan và xơ gan.
Trẻ tiêm vắc xin VGB tại Trạm Y tế tại Yên Bái
Vắc xin an toàn, nhiều quốc gia sử dụng
Cho đến nay, chưa có thuốc đặc hiệu điều trị viêm gan B. Do đó tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh là cách tốt nhất để phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con. Chuyên gia Cục Y tế dự phòng chia sẻ, vắc xin viêm gan B rất an toàn, đã được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. Tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh là chiến lược của Tổ chức Y tế thế giới trong phòng chống bệnh viêm gan B, triển khai tại các quốc gia.Ở nước ta, vắc xin viêm gan B được triển khai tiêm cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997.
Sau khi tiêm vắc xin viêm gan B có thể gặp các phản ứng thông thường như: đau tại chỗ tiêm, sốt. Những phản ứng nặng sau tiêm vắc xin viêm gan B thường hiếm gặp và sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, các bà mẹ nên tiêm vắc xin viêm gan B khi trẻ đã bú tốt và đề nghị để con mình được cán bộ y tế thăm khám trước khi tiêm.
Để phòng bệnh viêm gan B trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ. Tiêm vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh sẽ phòng lây truyền từ mẹ sang con từ 80-95%. Nếu tiêm muộn, việc phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con sẽ ít hiệu quả. Do đó, sau khi sinh trẻ cần được tiêm vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh. Lịch tiêm chủng vắc xin viêm gan B trong TCMR Trẻ sơ sinh tiêm vắc xin VGB trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh Trẻ từ 2 tháng tuổi: Tiêm vắc xin phối hợp phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib mũi 1 (DPT-VGB-Hib 1) và uống vắc xin phòng bại liệt lần 1 (OPV 1) Trẻ từ 3 tháng tuổi: Tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib 2 và uống OPV 2 Trẻ từ 4 tháng tuổi: Tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib 3 và uống OPV 3 |
CTV LC - Dự án TCMR