Trả lời câu hỏi trực tuyến tuần từ 03/9/2018 – 09/9/2018
Câu hỏi 1:
Trần Sông hỏi:
Những phản ứng thường gặp sau tiêm chủng vaccine sởi – rubella là gì? Tỷ lệ gặp tai biến nặng như thế nào?
Trả lời:
Vắc xin sởi và vắc xin sởi – rubella là một trong số những vắc xin rất an toàn và hiệu quả. Vắc xin sởi đã được sử dụng tại Việt Nam từ hơn 30 năm nay với hàng trăm triệu liều và hầu như không gặp trường hợp phản ứng nặng nào.
Trong quá trình sử dụng trên cả nước, chỉ ghi nhận những phản ứng phụ gồmđau, sưng và ban đỏ tại chỗ tiêm. Phản ứng này thường ở mức độ nhẹ và sẽ tự khỏi sau khi tiêm chủng từ 1 đến 4 ngày.
Những phản ứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, khó chịu, quấy khóc, ho, đau bụng, sổ mũi, tiêu chảy cũng có thể xảy ra ở một vài trường hợp và kéo dài từ 1 đến 3 ngày rồi tự hết mà không cần điều trị gì.
Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, rất hiếm gặp các trường hợp nặng như co giật, suy hô hấp, hạ huyết áp, viêm não hay giảm tiểu cầu với tỷ lệ chưa đến 1/triệu liều. Trên thực tế sử dụng khoảng 4 triệu liều vắc xin sởi – rubella do Việt Nam sản xuất từ đầu năm tới nay, chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp phản ứng nghiêm trọng nào. Các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi từ 1-5 tại các huyện nguy cơ cao hãy yên tâm đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin sởi-rubella trong chiến dịch sắp tới diễn ra từ tháng 12/2018 đến hết quý I/2019.
Câu hỏi 2:
Phạm Trọng Hưng, 30 tuổi , Cầu Giấy hỏi:
Chào các bác sỹ !!
Bé nhà em có nhận được thông báo tiêm bổ sung vaccine ở trường mầm non vào ngày thứ 3 tới ( 4/12 ) . Hiện bé đang sổ mũi và có dùng kháng sinh amoxicillin ,hôm nay là buổi cuối dùng kháng sinh , tính đến ngày thứ 3 tới thì mới dừng kháng sinh được 3 ngày. Vậy bé nhà em có tiêm vaccine được không ah ? Cám ơn các bác sỹ
Trả lời:
Đến ngày hẹn tiêm mà cháu hết sốt và khỏi ốm thì cháu có thể tiêm vaccine bình thường. Tuy nhiên, trước khi tiêm cháu sẽ được các bác sĩ khám để chỉ định. Vì vậy, bạn vẫn nên cho con đến để tiêm theo lịch hẹn.
Câu hỏi 3:
Đinh Quốc Đạt, 36 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội hỏi:
Xin hỏi lãnh đạo Trung tâm Y tế Thanh Trì, với địa bàn khá rộng, công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện chương trình tiêm chủng lần này có gặp khó khăn không? Những khó khăn đó là gì và Trung tâm đã khắc phục như thế nào?
Trả lời:
Thanh Trì là một huyện ven đô. Nhiều người dân chủ yếu sống bằng nghề kinh doanh, buôn bán tự do, thường xuyên vắng nhà nên rất khó khăn tiếp cận để tuyên truyền phòng chống dịch bệnh nói chung và tiêm chủng nói riêng.
Do vậy, Trung tâm y tế huyện Thanh Trì đã khắc phục bằng cách tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã; gửi giấy mời trực tiếp đến từng hộ gia đình; tổ chức nói chuyện tại các trường học và thông qua tuyên truyền của giáo viên phụ trách lớp đến phụ huynh học sinh để người dân nắm được các thông tin cần thiết liên quan tới tiêm chủng phòng bệnh.
Câu hỏi 4:
Đinh Công Binh hỏi:
Nhiều người vẫn có quan niệm tiêm vaccine dịch vụ thì an toàn hơn nên ngại cho trẻ đi tiêm các vaccine được miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Quan niệm ấy có nên khuyến khích hay không?
Trả lời:
Vaccine trong chương trình TCMR hay vắc xin dịch vụ trước khi đưa ra sử dụng đều phải được Bộ Y tế cấp phép và kiểm định an toàn về chất lượng, vì vậy không thể nói là vaccine dịch vụ an toàn hơn vắc xin TCMR. Vắc xin trong TCMR thì được Chính phủ cấp kinh phí để mua vaccine sử dụng trong TCMR nên các cháu bé được tiêm chủng miễn phí tại các trạm y tế xã phường trên cả nước.
Các đánh giá độc lập cũng cho thấy các vaccine sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng có chất lượng và hiệu quả phòng bệnh không khác biệt các vaccine dịch vụ.
Cha mẹ có quyền lựa chọn vaccine để tiêm chủng cho con mình. Dù sử dụng vaccine trong chương trình TCMR hay dịch vụ, cha mẹ cần cho trẻ đi tiêm chủng đúng lịch và đủ mũi để đảm bảo miễn dịch cơ bản cho trẻ góp phần bảo vệ sức khỏe cho trẻ và cho cả cộng đồng:
- Tiêm vaccine sởi khi trẻ 9 tháng tuổi
- Tiêm vaccine sởi-rubella khi trẻ 18 tháng tuổi.
- Tiêm bổ sung vaccine sởi hoặc sởi-rubella trong các chiến dịch tiêm chủng.
Câu hỏi 5:
Nguyễn Hoàng Phương Anh, 22, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội hỏi:
Tôi thấy hiện nay có rất nhiều trẻ em dưới 1 tuổi mắc sởi, mà việc tiêm vaccine chỉ dành cho trẻ từ 1 tuổi trở lên. Vậy làm cách nào phòng tránh sởi cho trẻ sơ sinh dưới độ tuổi tiêm chủng?
Trả lời:
Để phòng sởi cho những trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng (dưới 9 tháng tuổi), những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần được tiêm 1 mũi vaccine sởi- rubella trước khi có ý định mang thai ít nhất 3 tháng, phòng bệnh sởi- rubella cho mẹ và con.
Đồng thời, cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người có biểu hiện ốm, nghi mắc sởi- rubella; Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ để trẻ không bị suy dinh dưỡng.
Nếu trẻ có biểu hiện nghi mắc sởi, cần đến ngay các cơ sở y tế để khám, điều trị, hạn chế biến chứng; Đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được tiêm chủng khi trẻ đủ 9 tháng tuổi.
Dự án TCMR