Trả lời câu hỏi trực tuyến tuần từ 09/7/2018 – 15/7/2018

Câu hỏi 1:

Trần Minh Thu, 33 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội hỏi:

Chào bác sĩ, cháu nhà tôi hiện được hơn 9 tháng tuổi, tôi thấy trạm y tế phường gọi đi tiêm vaccine sởi, tuy nhiên tôi muốn đợi đến khi cháu đủ 12 tháng tuổi để tiêm phòng cả sởi – quai bị – rubella. Nếu con tôi tiêm như vậy thì có ảnh hưởng gì không?

Trả lời:

Cán bộ y tế phường gọi chị đưa con ra tiêm phòng sởi khi con đủ 9 tháng tuổi là đúng. Lý do: Theo Bộ Y tế quy định, trẻ đủ 9 tháng tuổi cần tiêm vaccine mũi 1 phòng bệnh sởi ngay.

Lịch tiêm này phù hợp với tình hình dịch bệnh sởi tại VN. Nếu chị đợi trẻ đủ 12 tháng để tiêm vaccine phòng bệnh sởi - rubela - quai bị thì e rằng trẻ sẽ mắc bệnh sởi trong thời gian chờ tiêm mũi này. Sau tiêm mũi này, đến khi con chị đủ 12 tháng tuổi, cháu vẫn có thể tiêm mũi tam liên phòng bệnh sởi - quai bị - rubela trên.

Câu hỏi 2:

Nguyễn Hồng Linh, 30 tuổi , KĐT Mỹ Đình 2 - Nam Từ Liêm - HN , Kế Toán hỏi:

Chào các bác sỹ !!! Bé nhà em 34 tháng , đã tiêm 2 mũi sởi - rubelle - quai bị MMRII lúc 9 tháng và 15 tháng. Vậy bé nhà em có cần tiêm bổ sung nữa không ah ? Nếu phải tiêm thì bác sỹ cho hỏi vaccine con e đã tiêm là sởi - rabella - quai bị , còn vaccine lần này chỉ có sởi - rubella, như vậy có ảnh hưởng gì không ah ? Em cám ơn các bác sỹ 

Trả lời:

Con của anh (chị) đã được tiêm 2 mũi vaccine sởi và đã được tiêm vaccine phòng quai bị, rubella trước đây 19 tháng. Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia, việc đưa trẻ đi tiêm nhắc lại trong các chiến dịch tiêm chủng bổ sung là cần thiết, giúp trẻ có kháng thể bền vững để phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Việc tiêm nhắc lại vaccine sởi rubella giúp bé phòng chống 2 bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm và việc tiêm vaccine rất an toàn. Anh (chị) cần đưa cháu đến các điểm tiêm chủng tại quận Nam Từ Liêm để được tiêm chủng trong tháng 12 tới đây.

Câu hỏi 3:

Khánh An, Nam Từ Liêm- Hà Nội hỏi:

Con tôi bị mất sổ tiêm phòng. Khi đưa cháu ra Trung tâm y tế dự phòng cơ sở 3 (bệnh viện Đa khoa Hà Đông) để được tiêm phòng tiếp thì không được tiêm, cũng không được xin lại danh sách các mũi đã tiêm. Từ sơ sinh cháu đều tiêm phòng tại đây và có lưu trữ hồ sơ. Xin hỏi bà (ông)... làm thế nào để cháu tiếp tục được tiêm phòng các mũi còn lại?

Trả lời:

Gia đình nhớ được những thông tin gì liên quan đến việc tiêm phòng của con thì cung cấp cho cán bộ y tế. Ví dụ nếu không nhớ được ngày thì nhớ tháng và năm tiêm, loại vaccine gì... để cán bộ y tế có cơ sở xem xét những loại vaccine nào có thể đã được tiêm. 

Nếu tại cơ sở tiêm (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) mà không cung cấp được những thông tin thì mời gia đình đến phòng tiêm chủng tại 70 Nguyễn Chí Thanh của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội để được hỗ trợ.

Câu hỏi 4:

Nguyễn Minh Huyền, 31 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội hỏi:

Từ ngày 26-11 đến 11-12-2018, Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi – rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi trên địa bàn. Xin cho biết công tác tổ chức được thực hiện như thế nào? Nguồn kinh phí tổ chức từ đâu?

Trả lời:

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về công tác phòng chống bệnh sởi, UBND TP Hà Nội có kế hoạch tổ chức tiêm bổ sung vaccine Sởi- Rubella cho toàn bộ trẻ em từ 1-5 tuổi trên địa bàn toàn thành phố.

Chiến dịch được triển khai tại 584 xã, phường của 30 quận, huyện, bắt đầu từ 26-11 và đến ngày 20-12 với mục tiêu là ít nhất 95% số trẻ em từ 1-5 tuổi được tiêm bổ sung 1 mũi vaccine kép để phòng 2 bệnh là Sởi- Rubella.

Kinh phí của Trung ương hỗ trợ triển khai tiêm tại 12 quận nội thành. Kinh phí thành phố triển khai tại 18 huyện còn lại để bao phủ toàn bộ số trẻ em 1-5 tuổi trên địa bàn toàn thành phố. 

Câu hỏi 5:

Lê Thanh Lương hỏi:

Trường học có biện pháp chăm sóc trẻ sau tiêm phòng như thế nào?

Trong trường hợp trẻ có phản ứng bất thường sau khi tiêm, trường học sẽ xử trí như thế nào?

Trả lời:

Trong quá trình trẻ tiêm phòng tại trường, trường có sắp  xếp phòng chăm sóc trẻ sau tiêm. Tại đây, có đầy đủ trang thiết bị, hộp chống sốc, bóp bóng, bình ô xy.... để xử lý khi trẻ có hiện tượng phản ứng với vaccine tiêm chủng. Đồng thời, có nhân viên y tế của trạm y tế phường trên địa bàn vào sổ theo dõi và chăm  sóc sức khỏe trẻ sau tiêm. Các trẻ sau khi tiêm phòng đều được theo dõi chặt chẽ, đúng thời gian theo quy định, là 30 phút sau khi tiêm phòng.

Trong trường hợp có trẻ phản ứng bất thường sau khi tiêm phòng, nhà trường sẽ phối hợp chặt chẽ với nhân viên y tế của trạm y tế phường để sơ cứu tại chỗ, trường hợp trẻ phản ứng mạnh, có chiều hướng nguy hiểm sẽ phối hợp với đội cấp cứu lưu động của Trung tâm y tế quận đưa  trẻ đến bệnh viện gần nhất. Sau đó, trường sẽ báo cáo với Phòng y tế và Phòng giáo dục và đào tạo của quận.

Câu hỏi 6:

Trần Tuyền hỏi:

Chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi – rubella cho trẻ 1-5 tuổi mà Hà Nội đang triển khai nằm trong chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho trẻ 1-5 tuổi ở các vùng có nguy cơ cao trên toàn quốc. Xin hỏi vì sao phải tổ chức một đợt chiến dịch tiêm bổ sung vaccine lớn như vậy?

Trả lời:

Bệnh sởi và và bệnh Rubella là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây truyền cao trong cộng đồng.

Tỷ lệ tiêm vắc xin MR cho trẻ 18 tháng tuổi các năm gần đây được cải thiện, tuy nhiên trên phạm vi toàn quốc chưa đạt 95%. Đồng thời vẫn còn các huyện/thị vùng nguy cơ cao chỉ đạt tỷ lệ tiêm vắc xin sởi, MR dưới 90%. Số trẻ em chưa được tiêm chủng hoặc một số trẻ đã tiêm chủng nhưng chưa có miễn dịch phòng bệnh tích lũy dần qua các năm. Khi số lượng này đủ lớn, trong điều kiện virus sởi vẫn đang lưu hành ở Việt Nam thì nguy cơ xảy ra dịch là hoàn toàn hiện hữu.

Theo báo cáo giám sát của các địa phương dịch sởi qui mô lớn tái diễn với chu kỳ 3-4 năm một lần và thường xuất hiện ở nhóm trẻ nhỏ. Trong 10 tháng 2018, đã có 1.395 ca sởi tại hơn 40 tỉnh/TP, số mắc tăng 7,3 so với cả năm 2017 và tập trung ở trẻ em từ 5 tuổi trở xuống.

Trước nguy cơ dịch sởi quay trở lại, cần có biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả ngăn ngừa không để bệnh sởi và rubella diễn biến phức tạp và gây dịch trong thời gian tới.

Chính vì vậy, việc triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine phối hợp sởi-rubella cho nhóm trẻ em từ 1-5 tuổi tại các vùng nguy cơ cao ngay từ giữa năm 2018 là rất cần thiết để chủ động phòng ngừa bệnh và các biến chứng do bệnh, bảo vệ sức khỏe trẻ em.

Dự án TCMR

Các câu hỏi khác