Trả lời câu hỏi trực tuyến tuần từ 16/7/2018 – 22/7/2018

Câu hỏi 1:

Trần Thị Thủy hỏi:

Trong trường hợp có rất đông học sinh đăng ký, các em có phải chờ lâu để được tiêm phòng hay không?

Trả lời:

Khi tổ chức tiêm phòng tại trường thì nhà trường đã sắp xếp lần lượt học sinh theo các lớp để xuống tiêm. Nên không có tình trạng học sinh quá đông, phải chờ đợi lâu. Nhà trường có sắp xếp phòng chờ tiêm, ở đó trẻ được chơi các trò chơi mà nhà trường đã chuẩn bị sẵn, có thể được nghe cô kể chuyện để trẻ không cảm thấy lo lắng khi đến lượt mình tiêm. 

Khi trẻ vào tiêm bao giờ cũng có cô giáo đi cùng để chăm sóc trẻ tạo cho trẻ tâm lý thoải mái nhất khi tiêm. Trong khi trẻ tiêm, cô trò chuyện với trẻ. Có nhiều trẻ khi tiêm xong rồi mà không hay biết mình đã được tiêm.

Câu hỏi 2:

Hiếu Trung, 29 tuổi, Hà Nội hỏi:

Xin hỏi lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì, tôi ở xã Đại Áng, con tôi 2 tuổi nhưng cháu chưa đi học mầm non. Vậy con tôi có thể tiêm ở đâu ạ?

Trả lời:

Các cháu không đi học sẽ được tiêm tại trạm y tế nơi trẻ sinh sống. Cụ thể, như nhà anh, cháu sẽ được mời ra trạm y tế xã Đại Áng để tiêm.

Câu hỏi 3:

Đào Thị Hằng, 27 tuổi, Định Công, Hoàng Mai hỏi:

Chào bác sĩ, bé nhà em giờ được hơn 12 tháng và hồi tháng 11 cháu có tiêm phòng sởi và hiện tại em có nhu cầu tiêm thêm cả quai bị và rubella thì ko biết là em có thể cho cháu tiêm mũi 3 trong 1 sởi-rubella-quai bị được không ạ? Nhờ anh chị tư vấn cho em với ạ. Em xin cảm ơn.

Trả lời:

Tiêm vaccine 3 trong 1 phòng 3 bệnh sởi- quai bị- rubella là rất tốt vì phòng được 1 lúc cả 3 bệnh. Tuy nhiên, vaccine này không có trong chương trình tiêm chủng mở rộng, gia đình có thể đưa cháu đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để được tiêm.

Gia đình có thể thông báo cho cán bộ y tế phường để được cập nhật vào phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. 

Câu hỏi 4:

Nguyễn Hưng, 32, Hà Nội, tự do hỏi:

Tôi ở Thanh Trì, được biết tỷ lệ tiêm chủng vaccine Sởi - Rubella nói riêng và các loại vaccine khác của huyện còn thấp. Xin hỏi đại diện TTYT huyện có những biện pháp gì để đảm bảo tỷ lệ tiêm trong chiến dịch lần này, phòng tránh tốt dịch bệnh?

Trả lời:

Trung tâm y tế huyện Thanh Trì sẽ tiếp tục làm hiệu quả công tác tuyên truyền, trong đó phối hợp nhiều kênh như: hệ thống đài truyền thanh huyện, xã, ngành giáo dục đào tạo nói chuyện trực tiếp với các bà mẹ, hộ gia đình... để mọi người hiểu và tự giác đưa con đi tiêm chủng. 

Hai là, tập trung bố trí thuận lợi nhất, đầy đủ nhất các điều kiện nhằm đảm bảo các điểm tiêm an toàn tại các trường học cũng như các trạm y tế.

Ba là, trực tiếp đôn đốc, hướng dẫn các trạm y tế có tỉ lệ thấp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp đạt tỉ lệ cao nhất.

Câu hỏi 5:

Trần Thị Bạch Tuyết hỏi:

Xin hỏi: Việc tiêm phòng cho trẻ ở tuổi mầm non đã được gia đình ý thức đầy đủ hay chưa? Nhà trường có biện pháp gì để tăng cường nhận thức cho phụ huynh các em?

Trả lời:

Đa phần phụ huynh đã có ý thức đầy đủ về việc tiêm phòng cho trẻ để phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít phụ huynh coi việc tiêm chủng đại trà thì chất lượng thuốc sẽ không đảm bảo, sẽ có những biến chứng xảy ra sau tiêm.

Nhà trường đã chủ động trong công tác tuyên truyền tới 100% phụ huynh trong trường để thấy được lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ là hết sức quan trọng và cần thiết. 

Trong công tác tuyên truyền, nhà trường luôn phổ biến cho các phụ huynh hiểu đầy đủ về những biến chứng nguy hiểm khi trẻ mắc dịch bệnh nếu không được tiêm chủng đầy đủ. Các nội dung tuyên truyền đều được đưa vào các buổi họp phụ huynh, đưa thông tin lên trang web của trường, và công khai tại các bản tin của trường, của lớp. Trong nhà trường, mỗi giáo viên là một tuyên truyền viên tích cực trong việc phổ biến vận động phụ huynh trong việc thực hiện đưa trẻ đi tiêm phòng đúng quy định.

Ngoài việc tuyên truyền, nhà trường cũng trao đổi, giải thích để phụ huynh hiểu được công tác tiêm chủng tại trường đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, từ khâu chuẩn bị vaccine sao cho đảm bảo đến người tiêm, đến việc xử lý sau tiêm.

Dự án TCMR

Các câu hỏi khác