2014: Năm của các nỗ lực không ngừng để cải tiến chất lượng và tỷ lệ tiêm chủng [1]
Đợt 1 và 2 của chiến dịch tiêm ngừa vắc xin sởi-rubella thành công với tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được tiêm đạt 95%, công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng được nâng cao, tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin Quinvaxem tăng trở lại. Năm 2014 được đánh giá là một năm khá thành công về đảm bảo tỷ lệ trẻ được tiêm ngừa và an toàn tiêm chủng.
Nhìn lại một năm 2014 với hàng chục triệu mũi tiêm an toàn, ông Nguyễn Trần Hiển, Trưởng ban quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng đánh giá điểm đáng chú ý nhất trong năm là đã có trên 37 ngàn cán bộ y tế được tập huấn về công tác tiêm chủng, tăng cường an toàn và nâng cao chất lượng tiêm chủng. Sự hưởng ứng của các bậc cha mẹ, cộng đồng với các nỗ lực này thể hiện ở tỷ lệ tiêm chủng cao. Riêng chiến dịch tiêm ngừa sởi-rubella, trong đợt 1 và 2 của chiến dịch đều đạt trên 95%, đặc biệt có những tỉnh thành tỷ lệ này lên tới 98%. Trước đó, tại thời điểm tháng 7 năm 2014 khi dịch sởi có nguy cơ quay trở lại, đã có 11 tỉnh thành triển khai thành công chiến dịch tiêm vét vắc xin sởi tại vùng nguy cơ cao.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát động tiêm vét vắc xin sởi
Năm 2013 xảy ra các trường hợp gặp phản ứng sau tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem , việc công bố kết quả đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới và đánh giá của Hội đồng chuyên môn trong nước về chất lượng vắc xin cùng với sự nỗ lực của các cán bộ y tế cơ sở trên toàn quốc, tỷ lệ trẻ em từ 2 đến 4 tháng tuổi được cha mẹ đưa đi tiêm vắc xin 5 trong 1 đã tăng trở lại, hàng trăm ngàn trẻ chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin 5 trong 1 cũng đã được tiêm vét ngay trong đầu năm 2014 để chủ động phòng bệnh cho trẻ. Từ những ngày sơ khai đi mời tiêm chủng, giờ đây phụ huynh đã thực sự có ý thức quan tâm đến tiêm chủng và hiểu lợi ích phòng bệnh chủ động của tiêm chủng, điều đó cũng nhờ hiệu quả nhìn thấy được của chương trình: Tỷ lệ mắc viêm não Nhật Bản B đã giảm hàng chục lần sau khi có vắc xin tiêm ngừa, Việt Nam đã Thanh toán được bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh, tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm điểm tiêm chủng
Dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin là một trong những yếu tố từng bị lo ngại, nhưng theo ông Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng ban Quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng, hiện phích lạnh, tủ lạnh… đảm bảo đến tuyến xã. Mỗi xã đều có từ 3 đến 4 phích lạnh đựng vắc xin, hoàn toàn đảm bảo việc bảo quản lạnh vắc xin từ kho bảo quản cho tới đến điểm tiêm. Ngoài ra, năm 2014 cũng là năm đầu tiên chương trình đưa hệ thống báo cáo trực tuyến vào sử dụng, nhằm hỗ trợ công tác quản lý tiêm chủng mở rộng tại tuyến tỉnh, khu vực và quốc gia. Hệ thống giám sát bệnh tiếp tục được triển khai và duy trì chất lượng, đạt các chỉ tiêu của Tổ chức Y tế thế giới.
Tổ chức tiêm chủng chiến dịch tại trường học
Vẫn còn những thách thức
Tháng 9 năm 2014, một số ổ dịch sởi xuất hiện trở lại ở Hòa Bình, Sơn La, Nghệ An và tiếp tục ghi nhận ca sởi tại Hà Nội mặc dù các hoạt động tăng cường tiêm chủng vắc xin sởi đã được thực hiện. Quá trình triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi-rubella cũng đã ghi nhận nhiều trẻ vắng mặt hoặc bị hoãn tiêm do mắc các bệnh cấp tính. Mặc dù phần lớn các trẻ này đã được tiêm vét trong thời gian chiến dịch song vấn đề đặt ra là hoạt động vận động người dân cho con quay trở lại có được thực hiện sát sao trong tiêm chủng hàng tháng như đã làm trong chiến dịch. Việc tiêm chủng mũi thứ hai vắc xin sởi lúc 18 tháng chưa được coi trọng. Bên cạnh đó, nhiều bậc cha mẹ cho trẻ tiêm chủng dịch vụ vắc xin MMR còn có tâm lý chờ đến khi trẻ được 4 đến 6 tuổi mới tiêm mũi thứ hai. Tuy nhiên nỗi lo không phải chỉ ở hiệu quả của chiến dịch tiêm ngừa, mà còn từ nguy cơ dịch giữa các quốc gia láng giềng. Trong đó thời điểm tháng 9 đến tháng 11 vừa qua, các khu vực biên giới giáp ranh Nghệ An, Sơn La có dịch sởi, mầm bệnh đã xâm nhập vào các “vùng trũng” tiêm chủng là các bản làng vùng sâu, vùng hẻo lánh có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn so với thành thị và vùng đồng bằng có điều kiện địa lý thuận lợi. Bệnh sởi rất dễ lây lan. Nếu như tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng không liên tục đạt tỷ lệ cao sẽ làm xuất hiện các nhóm chưa có miễn dịch bảo vệ. Sự xuất hiện nhóm này ở bất kỳ địa phương nào cũng đều có nguy cơ xảy dịch. Bên cạnh đó, số lượng công việc ngày càng nhiều do số lượng đối tượng tiêm chủng ngày càng lớn. Do vậy đòi hỏi sự nỗ lực thường xuyên của các bộ y tế các tuyến, đặc biệt là tuyến cơ sở.
Trong chiến dịch tiêm vắc xin ngừa sởi- rubella vừa qua, theo kết quả đánh giá nhanh của tại số địa bàn triển khai có tới quá nửa số trường hợp bỏ sót tiêm chủng là trẻ con của các gia đình di dân, mới chuyển tới làm ăn sinh sống tại đô thị, đây cũng là vấn đề cần quan tâm trong triển khai các chiến dịch tiêm chủng tới đây, đồng thời cả trong tiêm chủng thường xuyên. Ông Nguyễn Nhật Cảm, GĐ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết Hà Nội không tiêm chủng theo hộ khẩu, mà tiêm chủng theo đối tượng. Nếu có các cháu trong độ tuổi, có chỉ định tiêm chủng sinh sống ở địa phương thì cán bộ y tế phải thống kê vào danh sách dự trù vắc xin và tiêm chủng đầy đủ cho các cháu, đảm bảo quyền được tiêm chủng của trẻ. Bên cạnh đó, ở vùng sâu cùng xa thì khó khăn lại nằm ở vấn đề địa lý, người dân sống quá cách xa nhau, vận động triển khai tiêm chủng mở rộng ở vùng miền núi, vùng sâu, xa, vùng có nhiều dân di biến động, vùng đồng bào dân tộc rất khó khăn, đòi hỏi những cố gắng và nỗ lực rất cao của cán bộ y cơ sở và do đó cần có chế độ hỗ trợ thỏa đáng.
Tổ chức tiêm chủng vùng khó khăn
Đánh giá về những khó khăn trong duy trì thành quả tiêm chủng, ông Nguyễn Văn Cường chia sẻ mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh được duy trì thành công trong 8 năm qua, song vẫn còn những yếu tố tác động tới việc bảo vệ thành quả như tỷ lệ sản phụ người dân tộc thiểu số đẻ tại nhà khá cao, các khâu đỡ đẻ và cắt rốn, chăm sóc rốn không vô trùng vẫn còn phổ biến ở những vùng miền núi, vùng xa, vùng khó khăn, vùng các dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, nỗi lo nếu không đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ, một số căn bệnh đã được khống chế như bạch hầu, ho gà… có thể quay trở lại. Với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng dịch vụ tiêm chủng của người dân thì các cán bộ tham gia công tác TCMR tại tất cả các cơ sở phải luôn ý thức về trách nhiệm trong từng công việc và cần có sự hỗ trợ, sát sao của tuyến trên.
Theo ông Nguyễn Trần Hiển, mặc dù rất được quan tâm, nhưng đầu tư của nhà nước cho tiêm chủng mở rộng mới đáp ứng khoảng 50 - 60% nhu cầu của công tác tiêm chủng mở rộng. Trong khi đó, viện trợ quốc tế đã và đang có xu hướng giảm dần sau khi Việt Nam gia nhập danh sách các quốc gia có thu nhập trung bình, nguồn lực từ phía quốc tế đang có chiều hướng giảm dần. Trong khi đó số lượng trẻ đối tượng cần tiêm chủng hàng năm có xu hướng gia tăng. Các địa phương thì chỉ một số tỉnh có điều kiện và thường chỉ hỗ trợ tài chính trong các “chiến dịch” tiêm chủng. Hầu như chưa huy động được sự hỗ trợ từ khu vực y tế tư nhân cho tiêm chủng mở rộng. Để có hiệu quả tiêm chủng mở rộng được triển khai bền vững, ông Hiển cho rằng cần có sự tăng cường đầu tư của Chính phủ và chính quyền các cấp.
Các thành tựu chính của chương trình Tiêm chủng mở rộng 2014:
|
Ngày đăng: 31-12-2014
CTV